Đồng Tháp: Mô hình “Sơ kết công tác tư pháp tại cơ sở” phát huy hiệu quả tích cực

(PLVN) - “Sơ kết công tác tư pháp tại cơ sở” là cách làm mới, hiệu quả, giúp lãnh đạo Sở Tư pháp và các địa phương nắm bắt, hiểu rõ hơn thực tế công tác tư pháp. Từ đó, tạo thuận lợi “2 chiều” giúp đẩy mạnh, phát triển công tác Tư pháp trên địa bàn Đồng Tháp.

Hội nghị Sơ kết công tác được các ngành, các địa phương tổ chức định kỳ để đánh giá lại công tác trong thời gian qua, đồng thời định hướng kế hoạch công tác trong thời gian tới. Với mục tiêu đa dạng hình thức và phát huy hiệu quả hội nghị sơ kết, Sở Tư pháp Đồng Tháp đã “tiên phong” thực hiện mô hình “Sơ kết công tác tư pháp tại cơ sở”. Theo đó, Sở Tư pháp luân phiên tổ chức sơ kết công tác tại các địa phương cấp huyện. Mô hình này được thực hiện từ năm 2020 và mang lại hiệu quả tích cực được lãnh đạo các huyện, thành phố đánh giá cao.

Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo cách làm truyền thống, Hội nghị sơ kết được tổ chức tại Sở và mời Phòng Tư pháp các địa phương về dự. Tuy nhiên, cách làm này không mang giá trị lan tỏa và chưa đáp ứng yêu cầu “hướng về cơ sở”. Từ đó, Sở Tư pháp mới nghĩ ra sáng kiến sơ kết công tác tại các địa phương. Cách làm này giúp giải quyết rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác tư pháp, đặc biệt, giúp công tác tư pháp gần cơ sở hơn.

Sở Tư pháp Đồng Tháp triển khai sơ kết công tác tư pháp tại cơ sở

Sở Tư pháp Đồng Tháp triển khai sơ kết công tác tư pháp tại cơ sở

“Mô hình này còn tạo điều kiện để anh em giao lưu, hiểu rõ hơn về du lịch, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện, đồng thời biết thêm những mô hình mới, cách làm hay của địa phương để về triển khai tại địa phương mình. Một điểm đặc biệt nữa là các địa phương rất linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm tổ chức: huyện Cao Lãnh tổ chức tại Khu du lịch sinh thái, huyện Tam Nông tổ chức tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Lấp Vò tổ chức tại UBND huyện… Điều này, tạo nên sự thoải mái, nhẹ nhàng, thổi “làn gió mới” vào hội nghị sơ kết – một hoạt động được xem là khô khan, nhàm chán”, bà Phượng chia sẻ.

Theo bà Phượng, nhiều nơi còn không biết tư pháp làm gì, họ không hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Nhờ cách làm này, giúp nhiều người biết và hiểu rõ hơn về công tác tư pháp, giúp lãnh đạo UBND huyện và một số ban, ngành cấp huyện có góc nhìn thấu đáo hơn về lĩnh vực tư pháp. Qua đó nâng cao nhận thức, lan tỏa và khẳng định vị thế công tác tư pháp tại địa phương. Các ngành đều hiểu về công tác tư pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Khi tổ chức tại địa phương thì công chức tư pháp hộ - tịch cấp xã tại đó có điều kiện tham dự và hiểu rõ hơn về công tác tư pháp. Đồng thời, những vướng mắc trong quá trình công tác cũng được tháo gỡ kịp thời.
Ngoài công tác tư pháp, còn giúp các đại biểu thấy được các mô hình làm ăn, khởi nghiệp, phát triển kinh tế của địa phương… giúp đại biểu có thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến tham mưu cho lãnh đạo huyện ủy, UBND xây dựng chính quyền địa phương phát triển vững mạnh. Từ đó, mô hình này rất được lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố rất ủng hộ.

Ông Huỳnh Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết: Sở Tư pháp có phối hợp với UBND huyện tổ chức Sơ kết công tác tư pháp quý 1/2024 tại huyện Cao Lãnh. Hội nghị không tổ chức trong hội trường mà tổ chức tại một điểm du lịch trên địa bàn huyện. MViệc tổ chức Hội nghị sơ kết tạo điều kiện cho huyện quảng bá, giới thiệu những điểm nổi bật của huyện đến với mọi người. Đồng thời, tổ chức tại địa phương thì lực lượng ở huyện sẽ tham dự nhiều hơn, huy động công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã giúp họ hiểu rõ hơn về công tác tư pháp. “Những sự kiện thế này giúp lãnh đạo huyện nắm bắt rõ hơn về công tác tư pháp để có hướng chỉ đạo điều hành phù hợp, đề nghị Sở Tư pháp nên phát huy và nhân rộng hơn nữa”, ông Sơn chia sẻ.

Đọc thêm