Tham dự có bà Hồ Kim Liên – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Tháp; bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp; lãnh đạo các Sở, ban, ngành Đoàn thể; lãnh đạo các Phòng Tư pháp, phòng chuyên môn; cùng đông đảo hòa giải viên trên địa bàn tỉnh.
Duy trì, phát huy mô hình CLB hòa giải ở cơ sở
Trong thực tế, mâu thuẫn giữa người với người là chuyện thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, cần có cách xử lý êm đẹp, gìn giữ tình làng nghĩa xóm, hòa thuận, tương thân tương ái. Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã có vai trò quan trọng và đóng góp đắc lực trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, hằng năm có khoảng 3000 vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ được hòa giải, giúp giảm tải công việc cho Tòa án, cơ quan hành chính Nhà nước. Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được Đồng Tháp quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác hòa giải.
Quang cảnh Hội thảo |
Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoà giải ở cơ sở là hình thức phổ biến pháp luật hiệu quả, kiến thức pháp luật đi vào nhận thức người dân một cách sâu sắc, dễ hiểu, dễ áp dụng. Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành đặc biệt quan tâm đến công tác này. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ Hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện đề án. Theo bà Phượng, thời gian qua công tác hòa giải cơ sở ở Đồng Tháp có nhiều khởi sắc và đạt được kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, hòa giải viên cũng bày tỏ lo ngại trước nhiều vấn đề xã hội, nhiều vụ việc hòa giải phức tạp… Từ đó, cần tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở theo kịp và phù hợp với tình hình mới.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo |
Mô hình Câu lạc bộ (CLB) hoà giải ở cơ sở được đánh giá là mô hình tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải. Mô hình được Bộ Tư pháp đánh giá cao, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng công nhận là điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020. Hiện toàn tỉnh có 143/143 xã, phường, thị trấn xây dựng CLB hoà giải. Ông Đinh Thanh Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hòa giải phường An Hòa, TP Sa Đéc (CLB triển khai đầu tiên trên toàn tỉnh) cho biết, qua 7 năm hoạt động, CLB tạo điều kiện cho tất cả Hòa giải viên trên địa bàn có dịp cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp mới, cách làm hay trong hòa giải cơ sở.
Ông Lê Hồng Nước – Chánh tòa dân sự, TAND tỉnh Đồng Tháp trình bày tham luận tại Hội thảo |
Từ đó tỷ lệ hòa giải thành ngày càng được nâng lên (trên 80%). Đặc biệt từ tháng 1/2018 đến nay số vụ việc hòa giải thành của địa phương phường An Hòa luôn đạt tỷ lệ 100%. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên, phát huy hiệu quả, nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động góp phần đưa công tác hòa giải cơ sở ngày càng càng đi vào chiều sâu.
Huy động đội ngũ có chuyên môn tham gia hòa giải cơ sở
Ông Lê Văn Bé Sáu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hội viên Hội luật gia là những người có trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật vững vàng sẽ hỗ trợ rất đắc lực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện số hội viên tham gia còn rất thấp, chỉ từ 1-2%. Theo Kế hoạch số 216/KH-UBND Tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao nguồn nhân lực hoà giải ở cơ sở giai đoạn 2024 – 2030”, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu ít nhất 10% Tổ hòa giải ở cơ sở được Luật sư, Luật gia cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật hỗ trợ về chuyên môn pháp luật. Từ đó, ông Sáu đề nghị, tiếp tục vận động số cán bộ, hội viên Hội Luật gia, Luật sư, cán bộ đã nghỉ hưu đang cư trú trên địa bàn tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Hội thảo |
Một trong những vướng mắc của công tác hòa giải đó là khó khăn trong quyết toán chi phí. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ gửi công văn cho Phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện, thành phố yêu cầu có hướng dẫn các xã, phường trong việc phân bố dự toán cho công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo đúng quy định. Trong công tác thanh quyết toán, Sở sẽ quan tâm nhắc ngành tài chính cấp huyện, kế toán cấp xã thực hiện đúng quy định, không được đặt thêm quy định và thủ tục gây khó khăn cho công tác hòa giải ở cơ sở.
“Bài toán khó” cho công tác hòa giải ở cơ sở là vấn để yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án. Ông Lê Hồng Nước – Chánh tòa dân sự, TAND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hàng năm có khoảng 80% các tranh chấp, mâu thuẫn được hòa giải thành ở cơ sở nhưng không ai yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Theo ông Nước, nguyên nhân vấn đề này là do hòa giải viên chưa được tập huấn, chưa hiểu rõ về trình tự thủ tục, các biên bản hòa giải thành ở cơ sở không đầy đủ nội dung như quy định…
Đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo |
Để khắc phục tình trạng này ông Nước đề nghị, “các đơn vị cần tổ chức tập huấn chuyên sâu về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án cho các hòa giải viên cơ sở. Trong tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên cần đặc biệt quan tâm hướng dẫn kỹ năng ghi biên bản hòa giải cơ sở phải đảm bảo đúng quy định. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân biết đến quyền được yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, để người dân hiểu và lựa chọn phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Song đó, TAND 2 cấp cũng cần công khai, niêm yết đầy đủ các hướng dẫn cũng như thủ tục liên quan đến yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án để người dân biết và thực hiện khi có yêu cầu”, ông Nước nói.
Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hội thảo đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả công tác hòa giải cơ sở. Theo đó, đề nghị Phòng Tư pháp quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần để CLB hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Đồng thời, phát huy nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác hoà giải ở cơ sở của các địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị Hội Luật gia Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh quan tâm vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ Luật sư, hội viên Hội Luật gia… tham gia làm Hòa giải viên ở cơ sở. Về vấn đề công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, Sở Tư pháp đề nghị TAND tỉnh phối hợp Sở chọn 1-2 huyện làm điểm tập huấn hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho Hoà giải viên về trình tự, thủ tục đảm bảo đúng, đủ theo quy định.