Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.164 VND/USD, tăng 2 đồng so với phiên giao dịch sáng qua.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 VND/USD ở chiều mua vào và 23.050 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 8h30 sáng nay:
Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.690 đồng/USD (mua vào) – 23.000 đồng/USD (bán ra), tăng 20 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.715 đồng/USD (mua vào) – 22.995 đồng/USD (bán ra), tăng 27 đồng chiều mua vào và tăng 7 đồng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.700 đồng/USD (mua vào) – 22.980 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 98,53 điểm, tăng 0,02% so với phiên giao dịch trước đó. Hiện 1 Euro đổi 1,099 USD; 1 bảng Anh đổi 1,308 USD; 1 USD đổi 116,26 yên.
Đồng USD chứng kiến sự tăng trở lại sau hai phiên giảm liên tiếp, trong bối cảnh dữ liệu lạm phát của Mỹ tăng mạnh.
Dữ liệu được công bố hôm thứ 10/3 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - thước đo lạm phát, đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 2, đạt mức tăng hàng năm lớn nhất trong 40 năm. Đặc biệt, lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine làm tăng chi phí dầu thô và các mặt hàng khác.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới.
Bipan Rai, Trưởng bộ phận chiến lược FX Bắc Mỹ tại CIBC Capital Markets cho biết: “Kịch bản cơ bản của chúng tôi vẫn là Fed được kỳ vọng có chính sách “diều hâu” nhất trong số các quốc gia phát triển và điều đó sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng của đồng bạc xanh”.
Trong khi đó, đồng euro quay đầu giảm trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thông báo rằng, họ sẽ loại bỏ dần các biện pháp kích thích kinh tế trong quý thứ 3. Tuyên bố từ ECB để ngỏ khả năng tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2022 trong bối cảnh lạm phát tăng cao, phần nhiều do ảnh hưởng từ căng thẳng Nga – Ukraine.
ECB vẫn đang theo sau các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed và Ngân hàng Trung ương Anh trong việc thắt chặt các chính sách sau đại dịch, điều này cũng đã đặt gánh nặng lên đồng tiền chung euro.
Đồng euro đã chạm mức thấp nhất trong 22 tháng là 1,0804 USD vào đầu tuần, với lo ngại về việc tình hình Ukraine sẽ có tác động đáng kể tới tăng trưởng của châu Âu.