Đột nhập "thủ phủ" phật thủ Hà thành mùa giáp Tết

(PLO) - Trong khi nông dân trồng đào, ly, quất dịp Tết thường gặp rủi ro mỗi khi thời tiết bất thường thì người trồng phật thủ vẫn thu lãi cao dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu. Mùa Tết năm nay, những người dân ở “thủ phủ” phật thủ - (xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) lại được mùa bội thu...
Anh Đỗ Bá Tường tại vườn phật thủ
Anh Đỗ Bá Tường tại vườn phật thủ
Cả làng trồng phật thủ

Bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở cho biết, năm nay người dân trong xã phấn khởi, vì quả phật thủ vẫn giữ được giá như năm ngoái. Hơn 10 năm nay, kinh tế người dân trong xã khấm khá hơn nhờ trồng cây phật thủ.

Toàn xã có khoảng 1.120 hộ thì có hơn 80% trồng phật thủ. Thu nhập hộ ít cũng vài chục triệu, nhiều lên đến tỷ bạc mỗi năm. 

Theo lãnh đạo xã, khoảng 100ha diện tích trồng màu trong xã đều được người dân trồng cây phật thủ. Không đủ diện tích, nhiều người đến các xã bên như Yên Sở, Sài Sơn… thuê hàng trăm héc ta ruộng để trồng loại cây này. Số người trồng phật thủ ở địa phương tăng lên theo các năm. 
Ông Tạ Văn Phúc, Chủ tịch Hội Sản xuất, Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở cho biết, ngoại trừ những gia đình làm công nhân viên chức hoặc đã có ngành nghề kinh doanh ổn định thì tất cả dân Đắc Sở đều trồng phật thủ. Nhà trồng ít cũng 4-5 sào, nhiều lên đến mấy héc ta. 

Anh Đỗ Bá Tường (SN 1985, thôn Đông, xã Đắc Sở) trồng phật thủ hơn ba năm nay. Vườn phật thủ của anh Tường rộng hơn 1 mẫu, cho thu hoạch hai năm nay, kiếm về gần tỷ bạc. Trước đây anh Tường ra trung tâm Hà Nội làm thuê, khi thì thợ xây, lúc làm thợ cơ khí, thu nhập ít ỏi.

Ở quê nhà trồng phật thủ có lãi nên anh quay về xoay xở được hơn 200 triệu đồng đầu tư vào cây này. Nhà không đủ đất, anh lên xã Yên Sở cách nhà vài cây số thuê hơn 1 mẫu ruộng để trồng. Sau hơn một năm, cây cho quả. Đây là năm thứ hai anh Tường có thu nhập từ quả phật thủ, thu về gần tỷ bạc.

Theo anh Tường, xã Đắc Sở hiện có hàng chục thanh niên thế hệ 8X, 9X như anh làm chủ các vườn phật thủ. Tất cả đều có thu nhập khá, nhiều người thành tỷ phú.

Theo chủ vườn Đỗ Bá Tường, năm nay quả phật thủ không xuất hiện nhiều quả to và đẹp như năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết năm nay thất thường, ít lạnh, nóng nhiều; có thời điểm giữa mùa đông nhưng ấm như mùa hè.Tuy vậy, điều này không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân.

“Hiện, trung bình một quả phật thủ có giá từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng, tùy kích cỡ, hình dạng và màu sắc. Những quả to, đẹp có giá từ một đến vài triệu đồng. Năm nay ít xuất hiện những quả như vậy”, chủ vườn nói.

Thị trường được mở rộng, phát triển bền vững

Bà Đỗ Thị Thủy (SN 1978, thôn Chùa, xã Đắc Sở) cho biết, ngoài trồng hơn 5 sào phật thủ, gia đình bà còn chuyên buôn bán loại quả này vào dịp Tết. Thị trường tiêu thụ lớn nhất loại quả này vào dịp Tết là thủ đô Hà Nội. 

Trong vài năm trở lại đây, thị trường được mở rộng, phật thủ Đắc Sở có mặt ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Theo lái buôn này, thị trường có tốc độ tiêu thụ mạnh là Hải Phòng, TP HCM, Thanh Hóa… Ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái… cũng đã tiêu thụ loại quả này với số lượng nhất định. 

Theo bà Thủy, phương tiện vận chuyển chính loại quả này đi các nơi trong cả nước là bằng ô tô. Tuy nhiên, ở một số thị trường như TP HCM, Đà Lạt, loại quả này còn được vận chuyển bằng đường hàng không. Những lái buôn như bà Thủy chỉ trong dịp Tết đã thu số tiền lãi cả nửa tỷ bạc.

Theo tìm hiểu của PLVN, các chủ vườn và lái buôn đều cùng quan điểm kinh doanh phật thủ cho thu nhập khá, ổn định, ít rủi ro so với kinh doanh các loại cây trồng khác.

“Đào, quất, hoa ly đều rất nhạy cảm với thời tiết. Nông dân trồng những loại này gặp rủi ro khá cao, trong khi trồng phật thủ, dù thời tiết có biến đổi thế nào cũng không ảnh hưởng lớn”, một chủ vườn nhận định. 

Giải thích điều này, các chủ vườn cho biết, phật thủ là loại quả đặc biệt, không dùng cho ăn uống hay làm nguyên liệu mà dùng làm đồ lễ thờ cúng. Do đó, chất lượng quả phụ thuộc vào kích cỡ, hình dạng, màu sắc. Nếu thời tiết thay đổi theo chiều hướng xấu, quả chỉ có thể nhỏ hơn chứ không mất mùa, mất sắc như nhiều loại hoa, quả trồng cho dịp Tết. 

Ngoài ra, chất lượng phật thủ không có tính mùa vụ như các loại khác. Quả phật thủ có thể thu hoạch quanh năm, không có hiện tượng quả “chín” trước hoặc sau Tết.

“Một yếu tố khác là thị trường quả này tiềm năng, rộng lớn, ngày càng được mở rộng”, một chủ vườn giải thích việc trồng phật thủ cho hiệu quả bền vững. 

Anh Nguyễn Tuấn Thực (SN 1983, thôn Chùa, xã Đắc Sở, một chủ vườn phật thủ) chia sẻ kinh nghiệm: Sau trồng, mỗi tháng bón phân ít nhất một lần; bón cả phân chuồng và phân hóa học. Cây sai quả quanh năm, nhưng lứa hoa nở vào tháng bảy, tháng tám thì chăm sóc cẩn thận, vì sẽ cho quả vào dịp Tết. 

Mỗi tháng cây được phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích hoa nở, tổng cộng ba lần. Đây là công đoạn quan trọng, nếu phun liều lượng ít hoặc nhiều, hoặc không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc cây ra quả nhiều hay ít, tốt hay xấu.

Theo anh Thực, phật thủ đẹp là quả to, xòe đều các ngón to, mập trông giống như bàn tay Phật; số ngón lẻ thường có nhiều người chọn. Nếu quả có đầy đủ các thế “thịnh-suy-bĩ-thái” thì càng được giá.

Đọc thêm