Đột phá nâng cao vị thế, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Yên Bái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Yên Bái là tỉnh miền núi, có hơn 56% là dân tộc thiểu số (DTTS). Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là công việc hệ trọng, luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm, chú trọng.
Đột phá nâng cao vị thế, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Yên Bái

Đặc biệt, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành và triển khai Đề án số 11-ĐA/TU năm 2018 về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy (đứng giữ) trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm phương pháp lãnh đạo quản lý với cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy.Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy (đứng giữ) trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm phương pháp lãnh đạo quản lý với cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy.

Đề án 11 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và tham gia cấp ủy tỉnh đạt từ 20 đến 25%; tỷ lệ cán bộ nữ và tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến 2030 đạt 20 đến 25%.

Phát biểu tại hội nghị gặp cán bộ tham gia Đề án số 11 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện, Đề án 11 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án được tiến hành công phu, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm công khai, minh bạch.

Từ khi thực hiện đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức 2 kỳ tuyển chọn cán bộ tham gia Đề án thông qua thi tuyển. Tại kỳ tuyển chọn năm 2018 đã lựa chọn được 150 cán bộ. Tại kỳ tuyển chọn năm 2022, đã lựa chọn bổ sung 60 cán bộ; qua đó, nâng lên tổng số 210 cán bộ tham gia Đề án sau 5 năm.

Ngay sau khi hoàn thành công tác tuyển chọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đề án, với cách thức đổi mới, nội dung được chọn lọc.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã tổ chức đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cho 91 cán bộ; 2 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho 150 cán bộ tham gia Đề án được tuyển chọn đợt 1 năm 2018; cử 54 cán bộ trẻ tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Trường Đảng Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức 4 khóa tập huấn cho 124 cán bộ về kỹ năng quản trị doanh nghiệp...

Hầu hết cán bộ tham gia Đề án đều được rà soát, bổ sung quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn chức danh hiện giữ. Đến nay, sau quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hiện có 71/173 cán bộ được quy hoạch vào các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó 7 đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030; 102 lượt cán bộ thuộc Đề án được luân chuyển, biệt phái, điều động, bổ nhiệm, kết hợp giữa bố trí, sử dụng với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 11 của tỉnh, các bộ nữ người DTTS càng có thêm kiến thức và kinh nghiệm mới áp dụng trong công việc mà mình được giao.Được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 11 của tỉnh, các bộ nữ người DTTS càng có thêm kiến thức và kinh nghiệm mới áp dụng trong công việc mà mình được giao.

Anh Phạm Thái Sơn là cán bộ trẻ tham gia Đề án 11 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn từ tháng 7/2022. Quá trình được bổ nhiệm, điều động về cơ sở đã giúp anh Sơn được rèn luyện và trưởng thành rất nhiều.

Anh Sơn chia sẻ: “Khi về cơ sở, tôi đã được tiếp cận với thực tiễn nhiều hơn và nắm bắt, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách tại địa phương, nhất là vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, tôi đã vận dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị qua các lớp tập huấn của Đề án 11 để làm tốt công tác tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước tại địa phương”.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy khẳng định, Đề án 11 của Tỉnh ủy là đề án đầu tiên có tính chất căn cơ, bài bản về công tác cán bộ, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách dài hơi. Thành công bước đầu của Đề án còn được thể hiện ở việc đã khơi dậy tinh thần, khát vọng cống hiến, năng động, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS.

“Đây thực sự là bước tiến quan trọng, mang tính đột phá trong công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh; góp phần bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, xứng đáng là những “hạt giống đỏ” trong công tác cán bộ của tỉnh Yên Bái”, Bí thư Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Đề án đã đề ra, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; quan tâm xây dựng phương án quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ tại chỗ, kết hợp với điều động, luân chuyển, biệt phái, tăng cường đi cơ sở, nhằm tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, đồng thời rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn công tác.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên rà soát, đề xuất để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ giữa các sở, ban, ngành của tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố; tham mưu xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ thuộc Đề án đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Đọc thêm