Trung tuần tháng 5/2017, bộ phận kế toán của Ban Quản lý Dự án (BQLDA) 85 (Bộ GTVT) cho biết, Dự án Cầu Bến Thủy 2 (Dự án) đến nay vẫn chưa được UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) quyết toán, dù đơn vị này liên tục có công văn nhắc nhở, cũng như điện thoại “thúc”. Lý do chưa thể quyết toán theo UBND huyện Nghi Xuân là hồ sơ đang bị Cơ quan CSĐT giữ để điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo tìm hiểu của Báo PLVN, ngày 4/12/2013 công an khởi tố vụ án, trong khi Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Nghi Xuân vẫn chậm trễ không tiến hành hoàn thiện hồ sơ quyết toán.
Ngày 10/3/2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có Công văn số 2859 về công tác quyết toán chi phí đền bù GPMB Dự án, nêu: Bộ GTVT đã thẩm tra phê duyệt quyết toán hoàn thành Dự án đối với hạng mục chi phí xây dựng và chi phí khác, riêng chi phí GPMB chưa được quyết toán. Theo báo cáo của BQLDA 85, đến nay các Hội đồng GPMB của Nghệ An và Hà Tĩnh chưa thực hiện công tác quyết toán chi phí đền bù GPMB do các hội đồng địa phương thực hiện. Việc chậm quyết toán đã ảnh hưởng đến phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ GTVT quản lý (còn dư tạm ứng chủ yếu do tiền ứng GPMB chưa được thu hồi chứng từ quyết toán).
Công văn trên đề nghị: UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ đạo Hội đồng đền bù địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan tập hợp và lưu giữ hồ sơ quyết toán chi phí đền bù GPMB của Dự án. Lập báo cáo quyết toán và tổng hợp vào tổng giá trị quyết toán công trình để báo cáo cấp thẩm quyền thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn dừng lại ở công văn chỉ đạo.
Liên quan đến sai phạm trong việc thực hiện đền bù GPMB của Dự án này, bước đầu CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Nghi Xuân lập khống 3 bộ hồ sơ để cấp 3 lô đất với số tiền sai phạm hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, Dự án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 tại Quyết định 293 với chi phí đền bù GPMB, tái định cư (TĐC) cả 2 giai đoạn trên 70 tỷ đồng. Sau khi được bổ sung phê duyệt số tiền lên đến hơn 85 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của UBND huyện Nghi Xuân thì Dự án TĐC gồm 141 lô đất ở, trong đó 85 lô đã xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó phần kinh phí được thể hiện: Tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 84 tỷ đồng; tiền xây dựng khu TĐC là hơn 25 tỷ đồng (gồm hơn 7,2 tỷ đồng GPMB và hơn 18,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng).
Được biết, Dự án cầu Bến Thủy 2 chỉ ảnh hưởng đến 32 hộ tại thị trấn Xuân An và toàn bộ diện tích thu hồi phục vụ dự án và TĐC là 62.589m2, trong đó một phần đất được quy hoạch thành 141 lô đất ở và đã cấp 37 lô cho các hộ, có 104 lô đất “dôi dư”. Lý giải về sự “dôi dư” 104 lô đất, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng để phục vụ TĐC cho nhiều dự án trên địa bàn huyện nhằm phát triển kinh tế - xã hội chứ không riêng Dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2.
Tuy nhiên, phục vụ dự án nào, đã được ai phê duyệt hay chưa thì không ai biết. Việc sử dụng kinh phí của dự án này để làm mặt bằng cho dự án khác phải chăng đã sử dụng sai mục đích nguồn vốn ? Việc một dự án đưa vào sử dụng hơn 4 năm nhưng chưa được quyết toán dù đã nhiều bộ, ngành đốc thúc liệu có uẩn khúc gì bên sau nó ?... Đó là những câu hỏi mà dư luận hết sức quan tâm, nhưng điều khó hiểu là cơ quan chức năng không vào cuộc điều tra, làm rõ?