Cuối năm 2021, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản đề nghị dừng khai thác công suất 3 nhà máy điện mặt trời chưa có giá mua ở Ninh Thuận, bao gồm Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, Thiên Tân 1 và 3. Trong đó, công suất bị dừng của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam vào khoảng 172 MW, tương đương 40% công suất của nhà máy này.
Các nhà máy này đều đi vào hoạt động từ năm 2020 nhưng “trượt” khỏi dung lượng 2.000 MW ưu đãi của Ninh Thuận theo Nghị quyết 155 của Chính phủ về thực hiện một số chính sách cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế xã hội.
Theo đại diện chủ đầu tư Trung Nam Group, nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là nhà máy đầu tư có điều kiện (xây dựng thêm đường truyền tải và trạm biến áp 500 kV với tổng chi phí khoảng 2.000 tỷ đồng) nên cũng không thỏa mãn điều kiện theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế ưu đãi phát triển điện mặt trời do có chủ trương đầu tư sau tháng 11/2019.
Tuy nhiên, kể từ khi hoàn thành, đưa vào vận hành; 172,2 MW này vẫn được huy động. Hơn 1 năm phát điện lên lưới nhưng chủ đầu tư cũng chưa nhận được tiền chi trả cho phần công suất này do chưa có giá mua.
Đại diện Trung Nam Group cho biết, việc EVN chưa trả tiền huy động cho 172,2 MW điện mặt trời này không gặp vấn đề gì vì Trung Nam vẫn cố gắng nhiều cách để xoay sở dòng tiền. Quan trọng hơn là khi được huy động thì số tiền đầu tư vẫn sẽ được hoàn lại một phần trong suốt thời gian qua. Tức là khoản tiền Trung Nam đã bỏ ra đầu tư không bị lãng phí.
Nhưng, theo thông tin mới nhất, Công ty Mua bán điện (EPTC) - thuộc EVN vừa có văn bản gửi Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, thông báo sẽ chính thức dừng khai thác 172,2 MW chưa có giá của nhà máy này từ 0h ngày 5/3/2022.
Như vậy, từ ngày 5/3/2022, nguy cơ nhà máy 172,2 MW này sẽ trở thành 'đống sắt vụn' chỉ vì Bộ Công Thương chưa kịp xây dựng cơ chế giá cho các dự án điện đã hoàn thành, đi vào vận hành hơn 1 năm qua?
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã liên tiếp có các văn bản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư Trung Nam khi đã bỏ ra hơn 12.000 tỉ đồng để xây dựng dự án điện mặt trời 450 MW, trong đó trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV truyền tải trị giá gần 2.000 tỉ đồng được nhà đầu tư bỏ kinh phí đầu tư, bàn giao lại cho EVN quản lý, vận hành với giá 0 đồng.
Theo đó, chính quyền và Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh này đã có văn bản đề nghị xem xét không cắt giảm công suất, ưu tiên khai thác tối đa công suất Nhà máy điện mặt trời 450MW của Trung Nam. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung cơ chế giá bán điện 7.09 cent/kWh đối với phần công suất điện mặt trời ngoài phạm vi 2.000MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng đã vận hành thương mại trước ngày 31/12/2020.
Dự án điện mặt trời do Trung Nam đầu tư ở Ninh Thuận |
Gần đây, trong văn bản kết luận thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp liên quan đến việc bàn giao lưới điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành Điện, đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này.
Bộ Công Thương cũng mới có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép những nhà máy điện chưa có giá mua sẽ đàm phán với EVN để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành. Đồng thời, Bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng và ban hành Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chưa có giá mua.
Tuy nhiên, đến khi nào Thông tư này mới được ban hành là câu hỏi mà các chủ đầu tư vẫn đang hỏi và chờ đợi cũng khá lâu. Bởi nếu cứ kéo dài thời gian, số tiền các doanh nghiệp đã đầu tư sẽ dần “bốc hơi” qua mỗi ngày khi sản lượng điện không được huy động lên lưới.