Cả họ đi thuê nhà!
Được biết, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt đầu tư dự án khu đô thị An Phú – An Khánh (quận 2) cho Công ty Kinh doanh Phát triển Nhà (này là công ty HDTC) làm chủ đầu tư. Kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng và quy hoạch chi tiết được thông qua, những hộ dân có đất nằm trong các vi trí quy hoạch công viên cây xanh sẽ không được xây dựng nhà cửa.
Người dân có đất mặt đường Lương Định Của phải sống tạm bợ trong những căn nhà ổ chuột như thế này vì không được xây dựng |
Theo quy hoạch từ 20 năm trước (năm 1998), mặt đường Lương Định Của là nơi bố trí công viên cây xanh. Tuy nhiên, sau 20 năm quy hoạch, vị trí công viên cây xanh vẫn là “dự án trên giấy”, công viên chưa được đầu tư trên thực tế, chưa được giải phóng mặt bằng và người dân không ủng hộ phương án “bán mặt tiền xây công viên” như quy hoạch của 20 năm trước.
Từ kiến nghị của người dân cũng như tình hình thực tiễn, chủ đầu tư khu đô thị An Phú – An Khánh là HDTC đã có đơn xin điều chỉnh quy hoạch 1/2000, trong đó có xin hoán đổi một số vị trí quy hoạch công viên tại dự án sang nơi khác, để đất quy hoạch công viên ngay mặt đường nhằm tái định cư tại chỗ cho người dân. Việc hoán đổi vị trí quy hoạch công viên không làm giảm mật độ cây xanh, không gian công cộng mà ngược lại làm tăng thêm hơn 4000m2 diện tích cây xanh cho người dân trong khu đô thị.
Ông Phạm Chí Quốc (số 21/3, đường Lương Định Của, phường Bình An) cho biết, ông và gia đình sống ổn định tại khu đất bám mặt đường Lương Đình Của từ năm 1963. Nếu tính cả họ hàng, con cháu thì tổng cộng nhà ông có khoảng 9 hộ dân với hàng chục nhân khẩu có đất bám mặt đường Lương Định Của. Theo quy hoạch được công bố từ năm 1998, khu vực đất của ông và các hộ dân khác được quy hoạch làm đất công viên cây xanh. Tuy nhiên, suốt 20 năm qua, gia đình ông vẫn bám trụ lại mảnh đất hương hoả của gia đình vì không đồng ý với phương án tái định cư là “đẩy” những người dân như ông có đất mặt đường Lương Định Của vào sâu phía trong hoặc ngoài rìa khu đô thị, nơi giá trị đất rất thấp.
“Ở đây toàn gia đình, bà con dòng họ không à. Tính cả thì đại gia đình chúng tôi cũng đến 8 – 9 hộ dân với hàng chục nhân khẩu. Chúng tôi sống lâu năm tại đây, giờ lấy đất này làm công viên nên không ai không đồng ý. Sau khi HDTC được cổ phần hoá, công ty có xuống thoả thuận với người dân hoán đổi vị trí đất quy hoạch công viên, tái định cư cho người dân tại chỗ trên chính vị trí đất quy hoạch công viên nên chúng tôi mới đồng ý. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND TP vẫn chưa thông qua quy hoạch nên người dân không thể xây dựng”, ông Quốc cho biết.
Theo ông Quốc, suốt nhiều năm qua, dù Công ty HDTC đã ký đồng ý cho các hộ dân được tái định cư tại chỗ, nhưng do Thành phố chưa cấp phép nên tất cả các hộ dân không thể xây dựng. Điều này dẫn đến nghịch lý là hàng chục, hàng trăm hộ dân dù có đất nhưng lại không được xây dựng, phải đi thuê nhà để ở.
“Người dân đã họp với UBND phường Bình An, UBND quận 2 và có kiến nghị, đề xuất Thành phố sớm thông qua quy hoạch để người dân có thể sớm xây dựng nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Mình có đất đai chà bá nhưng cứ đi thuê để ở thì sao được?”, ông Quốc đặt câu hỏi.
Người dân ở đây cho hay, do phải đi thuê nhà để sống, hoặc sống tạm bợ nên những năm qua phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng không mong muốn xảy ra. Trước đó, do không được quan tâm nên mặt đường Lương Đình Của “chưa nắng đã bụi, chưa mưa đã ngập”, tình trạng ô nhiễm, ngập úng xảy ra triền miền. Đặc biệt, có người đi thuê nhà và đã ra đi vĩnh viễn nơi đất khách quê người mà không kịp trở về sinh sống trên mảnh đất quê cha đất tổ. “Tôi và người cháu gái Phan Thị Phương đều có đất mặt đường Lương Định Của, vị trí quy hoạch là công viên, chúng tôi đồng ý ký với HDTC hoán đổi để tái định cư tại chỗ. Do không được xây dựng nên hai chú cháu phải đi thuê nhà. Thật không may mắn là cháu tôi giờ này đã mất, thật đau xót khi cháu có đất mà lại không được sinh sống trên phần đất của cha ông trong những tháng ngày cuối cùng”, ông Quốc đau xót.
Cũng giống như ông Quốc, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Kim (19/4F, đường Lương Định Của, phường Bình An) đã đi thuê sinh sống hơn 3 năm nay rồi. Được biết, bà Kim cùng 4 gia đình là anh em với nhau có gần 1.500m2 nằm trong quy hoạch đất công viên cây xanh. Bà Kim cho hay, trước đây khu vực này sình lầy giữ lắm, toàn đây là dãy nhà cấp bốn, cỏ mọc um tùm, nước lớn cũng ngập, nước ròng cũng ngập.
“Đất của gia đình chúng tôi rất nhiều nhưng lại nằm trong quy hoạch công viên cây xanh. Trong khi người dân đang có nhu cầu tái định cư tại chỗ để sinh sống, làm ăn kinh doanh thì vị trí mặt tiền mà quy hoạch làm công viên cây xanh là quá phí, không phù hợp với thự tế”, bà Kim phân tích.
Theo bà Kim, dù chỉ được hoán đổi 11% trên tổng diện tích gần 1.500m2, dù “chịu thiệt một tý” nhưng bà vẫn đồng tình với cách làm của chủ đầu tư HDTC. “Tôi chấp nhận được tái định cư tại chỗ với diện tích nhỏ hơn nhưng bù lại nó nằm ngay mặt đường Lương Định Của, giá trị mặt đường khác với giá trị ở trong sâu”, bà Kim cho biết thêm.
Dù có đất mặt đường, nhưng thời điểm này, bà Kim và hai người con của mình vẫn phải đi thuê nhà để ở. Con cái có gia đình riêng, tổng cộng nhà bà phải thuê cùng lúc 3 căn hộ với chi phí hàng tháng rất cao. “Chủ dự án làm tốt cho người dân thì nên ủng hộ, hỗ trợ họ. Nếu chúng tôi không được tái định cư mặt đường thì sẽ không đi đâu cả. Đổi vị trí tái định cư đi khác thì không người dân nào chịu cả, người ta đang sinh sống ngay mặt tiền thì thì ai chịu giao đất cho Nhà nước mà đi?”, bà Kim chia sẻ thật lòng.
Suốt 20 năm qua, ba mẹ con bà Kim phải đi thuê nhà sinh sống, khu đất mặt tiền mà bà hoán đổi cho công ty HDTC vẫn chưa được Thành phố cấp phép xây dựng |
Tập thể người dân cầu cứu lãnh đạo UBND Thành phố
Trước đó, hàng trăm người dân có đất nằm trong diện đền bù giải phóng mặt bằng tại trục đường Lương Định Của (thuộc khu C và D, Dự án Khu đô thị An Phú – An Khánh) đã làm đơn gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP.HCM kiến nghị sớm thông qua quy hoạch chi tiết 1/2000, cho người dân được tái định cư tại chỗ trên đất quy hoạch là công viên.
Theo người dân, vì vướng quy hoạch nên suốt mấy chục năm qua họ không được xây dựng nhà cửa, phải sống trong điều kiện rất khó khăn, hạ tầng tuyến đường Lương Đình Của bị ngập úng, xuống cấp. Những người dân này không được công ty HDTC đền bù theo nguyện vọng. Trong khi đó, phương án đền bù trước đây của công ty HDTC không thỏa đáng, các vị trí bố trí nền tái định cư cho người dân không phù hợp với điều kiện sống của dân.
Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo mới của Công ty HDTC đã cử cán bộ thường xuyên đến các hộ dân tiếp xúc, hiệp thương và vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường Lương Định Của và công viên theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt trước đây, nhưng trên thực tế dù quy hoạch công viên nhưng chưa được đền bù giải tỏa và chưa được triển khai đầu tư thành công viên mà chỉ là nơi hàng chục các hộ dân đang sinh sống ổn định. Đồng thời, phương án 1518/CV.APAK ngày 27/12/1999 được duyệt đã không còn phù hợp và không đảm bảo quyền lợi. Nguyện vọng của người dân là được Công ty HDTC thỏa thuận theo giá thị trường hoặc hoán đổi nền tại chỗ hoặc với lộ giới tương đương đường Lương Định Của, tuy nhiên công ty HDTC không còn quỹ nền để bố trí phù hợp với kiến nghị này.
Người dân cho hay, năm 2017, UBND TP.HCM có chủ trương cho phép HDTC điều chỉnh quy hoạch và người dân tại khu vực này có thể sẽ được tái định cư tại chỗ. Sau khi có thông tin trên, UBND Quận 2 và Công ty HDTC đã mời các hộ dân đến họp về việc đền bù, hỗ trợ di dời và yêu cầu sớm bàn giao mặt bằng để làm đường Lương Định Của. Đồng thời, lãnh đạo UBND Quận 2 cũng khẳng định sẽ hỗ trợ HDTC điều chỉnh quy hoạch và công ty sẽ sớm bàn giao mặt bằng để tái định cư tại chỗ cho người dân.
Từ cam kết của chính quyền nên người dân đã rất tin tưởng và thỏa thuận đàm phán với Công ty HDTC để hoán đổi phần đất mà họ đang quản lý và thống nhất bàn giao sớm cho công ty HDTC để bàn giao cho Thành phố thi công tuyến đường Lương Định Của. Các hộ dân cũng thống nhất với công ty phương án đền bù, hỗ trợ di dời, phương án tái định cư tại chỗ để ổn định đời sống nên đã ký hợp đồng hoán đổi đất và công ty đã hoàn tất công tác thiết kế và đầu tư hạ tầng cơ sở trên khu đất (trước đây quy hoạch thành công viên nhưng chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa quy hoạch thành công viên) để hoán đổi cho chính những chủ đất ở đây.
Thế nhưng, kể từ khi ký hợp đồng hoán đổi đất và bàn giao mặt bằng để công ty triển khai hạ tầng, sau khi có hạ tầng thì HDTC đã bàn giao đất cho người dân tạm quản lý nhưng vẫn không được xây dựng nhà trên mảnh đất được công ty bàn giao mà vẫn phải đi thuê nhà tạm bợ để sinh sống. Nguyên nhân có đất nhưng không được xây nhà, theo người dân là việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 khu đô thị An Phú – An Khánh chưa được UBND TP.HCM thông qua.
Theo các hộ dân, trong 20 năm qua, hàng loạt quỹ đất nền tại khu đô thị An Phú - An Khánh đã được Công ty TNHH MTV Phát Triển và Kinh Doanh Nhà sử dụng vào mục đích kinh doanh mà không ưu tiên các quỹ nền để hoán đổi cho người dân. Ngoài ra phương án đền bù 1518/CV.APAK được duyệt từ những năm 27/12/1999 gây thiệt hại rất lớn cho các hộ dân, cho đến nay đã không còn phù hợp.
“Được biết, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã có văn bản đồng ý chủ trương cho phép công ty HDTC điều chỉnh quy hoạch nhưng không làm ảnh hưởng đến mật độ cây xanh, chúng tôi nghĩ đây là chủ trương rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo quyền lợi của người dân, quyền lợi Nhà nước và Doanh nghiệp”, đơn của người dân bày tỏ.
Do đó, bằng lý do chính đáng, trong đơn gửi Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND TP.HCM, tập thể các hộ dân có đất bị thu hồi, được công ty hoán đổi và bố trí vào vị trí công viên trục đường Lương Định Của đã kiến nghị UBND Tp.HCM sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu đô thị An Phú An Khánh để cuộc sống của người dân được ổn định.