Dự án “làm đẹp” Sa Pa 10 năm chưa giải phóng xong mặt bằng

(PLO) - Sau gần chục năm triển khai,  đến nay vẫn còn 15 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng vì cho rằng việc thu hồi đất không sử dụng vào mục đích công cộng là xây dựng hạ tầng mà sử dụng vào mục đích thương mại... 
Sa Pa có phong cảnh nên thơ nhưng hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập
Sa Pa có phong cảnh nên thơ nhưng hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập
Kiểm sát viên “vượt” quyền
Nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt đô thị cho khu trung tâm tại thị trấn Sa Pa, năm 2004 UBND tỉnh Lào Cai đã mời gọi các doanh nghiệp ngoài tỉnh vào đầu tư dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa. Dự án được kỳ vọng là một điểm nhấn, chỉnh trang bộ mặt đô thị cho thị trấn du lịch này.
Tuy nhiên, sau gần chục năm triển khai,  đến nay vẫn còn 15 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng vì cho rằng việc thu hồi đất không sử dụng vào mục đích công cộng là xây dựng hạ tầng mà sử dụng vào mục đích thương mại... 
Một số hộ dân đã khởi kiện UBND huyện Sa Pa về quyết định hành chính thu hồi đất. Tại phiên sơ thẩm hành chính ngày 24/4/2014 và ngày 25/4/2014, HĐXX TAND huyện Sa Pa đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Hảo và Bùi Thị Huyền vì không có căn cứ. 
Điều đáng chú ý là, tại phiên tòa ngày 24/4/2014, Kiểm sát viên Lê Đức Hiệp (VKSND huyện Sa Pa) đã gây bức xúc đối với đương sự khi phát biểu những nội dung vượt thẩm quyền. Ông Hiệp cho rằng Quyết định số 2176/QĐ-UBND ngày 11/10/2012 của UBND huyện Sa Pa thu hồi đất của bà Hảo là “trái pháp luật”, bởi huyện đã căn cứ Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 20/6/2005 của UBND tỉnh Lào Cai, không thông qua thủ tục đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng quy định. Về cơ chế tài chính, ông Hiệp nói Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC ngày 18/02/2003 của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng đã hết hiệu lực.
Tuy nhiên, biên bản của cả hai phiên tòa trên đều nhận định kiểm sát viên không có quyền can thiệp vào nội dung vụ án và những phát biểu trên là không có căn cứ.
Cần sự đồng thuận
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này rõ ràng có căn cứ pháp lý. Năm 2003, Bộ Tài chính có Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC cho phép áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn  xây dựng hạ tầng. Dự án xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa được áp dụng theo cơ chế này. 
Tháng 5/2004, UBND tỉnh Lào Cai có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa. Trên cơ sở quy hoạch, tháng 9/2004, UBND tỉnh Lào Cai có Quyết định số 2527/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng và san lấp mặt bằng Chợ văn hóa – Bến xe khách thị trấn Sa Pa với quy mô hơn 30ha, do UBND huyện Sa Pa làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện là sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng theo hình thức định giá, giao đất cho doanh nghiệp tính theo mục đích sử dụng mới. Quyết định này cũng nêu rõ diện tích quỹ đất biệt thự, đất chia lô, đất dịch vụ được chính quyền giao cho nhà đầu tư để thu hồi vốn.
Do quá trình thực hiện có một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế nên sau khi rà soát lại, ngày 20/6/2005 UBND tỉnh Lào Cai có Quyết định số 1485/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa. 
Thực chất Quyết định 1485 của UBND tỉnh Lào Cai là tiếp nối các quyết định về dự án này trước đó, tiếp nối về phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng hạ tầng, đã được UBND tỉnh Lào Cai xác định, lựa chọn trước thời điểm  Nghị định 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 có hiệu lực. 
Để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, nâng cấp hạ tầng cho phố núi Sa Pa, cần có sự ủng hộ của các cơ quan trung ương, địa phương, cơ quan bảo vệ pháp luật và sự đồng thuận từ người dân, như vậy dự án mới sớm đi vào cuộc sống, cải thiện bộ mặt hạ tầng của địa điểm du lịch nổi tiếng này.

Đọc thêm