Cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ là nội dung rất quan trọng, cử tri rất trông chờ xem việc sửa đổi Luật lần này có lợi gì cho người dân trong diện bị thu hồi đất hay không, đặc biệt là các dự án có chênh lệch địa tô.
Đại biểu đồng tình với phương án quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Không thể theo ý nguyện của nhà đầu tư, Nhà nước thu hồi đại trà, cả những nơi mà người dân đang sản xuất rất tốt, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân”, Đại biểu nói. Theo Đại biểu, nhà đầu tư cũng có thể tự thỏa thuận với người dân và người dân cũng muốn như vậy nhưng trên thực tế, nhà đầu tư khó có thể đạt đồng thuận 100% khi thỏa thuận với người dân. Như vậy, dự án khó thực hiện được, nên cũng không thể phát triển KT-XH.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) lại tán thành với phương án quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Theo Đại biểu, việc phát triển các dự án nhà thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ không chỉ đem lại về kinh tế mà còn góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Còn Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) chỉ ra rằng, tại Điều 79 đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, việc liệt kê như vậy có thể vẫn chưa bao quát hết. “Quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành, trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi lại đất”, Đại biểu nói.
Cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện đơn thư phức tạp về đất đai ở các địa phương hiện chiếm đến khoảng 75%, Đại biểu đề xuất QH xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Điều 79 và các điều khoản liên quan trong dự thảo Luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển KT-XH, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.
Có cùng quan điểm, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chỉ ra rằng, trong các điều khoản cụ thể từ khoản 1 tới khoản 31 của Điều 79 này lại có “những trường hợp khác”. Đồng thời, khoản 32 quy định QH sẽ bổ sung các trường hợp thu hồi đất theo trình tự, thủ tục rút gọn nếu không thuộc các trường hợp từ khoản 1 đến khoản 31. Do vậy, Đại biểu đề nghị làm rõ “những trường hợp khác” này. “Luật phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là những trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trường hợp chưa rõ, sau này nếu phát sinh những trường hợp khác sẽ trình QH bổ sung sau theo thủ tục rút gọn”, Đại biểu nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, cần nhất quán xác định bồi thường giá đất theo 2 nguyên tắc. Thứ nhất, chỉ bồi thường những giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để không lẫn lộn giữa các loại đất khi xác định việc bồi thường. Thứ hai, tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng ở trên mảnh đất mà Nhà nước đầu tư và thực hiện quy hoạch, không ai được hưởng quyền lợi riêng ở đó. “Nếu xác định được 2 nguyên tắc này thì sẽ khắc phục được sự nhầm lẫn trong bồi thường đất, vì cứ có quy hoạch, cứ có đầu tư là tự động tăng giá đất và đòi giá bất kỳ không có giới hạn”, Đại biểu nói.
Tránh trục lợi trong chuyển nhượng đất trồng lúa
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết, tại khoản 2 Điều 161 của dự thảo Luật về thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể, việc thực hiện phân cấp, phân quyền rất triệt để. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc tố tụng đáng tiếc tại một số tỉnh, TP liên quan đến tính toán, xác định giá những khu “đất vàng” chưa phù hợp để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gây thất thoát ngân sách nhà nước.
|
Đại biểu Trần Thị Vân phát biểu tại phiên họp. Ảnh Quochoi.vn |
Do đó, Đại biểu cho rằng cần cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật trường hợp giá trị của khu đất lớn đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt khi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. “Ví dụ, các trường hợp giao đất thuộc các dự án đầu tư công, dự án lấn biển… được quy định tại Điều 125, thì cần có cơ chế kiểm soát ngay từ ban đầu với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn sâu khi đề xuất phương án giá đất để bảo đảm không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, không chờ đến khâu hậu kiểm”, Đại biểu nói.
Một nội dung khác được nhiều đại biểu góp ý là quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) tán thành với phương án 1 quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho người thuộc hàng thừa kế) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Đại biểu cho rằng, quy định theo hướng này sẽ bảo đảm cho công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân trục lợi, thu gom đất trồng lúa nhằm tích trữ, đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Bên cạnh đó, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tình trạng không quản lý được quỹ đất.