Dự án Luật Đấu giá tài sản: Tránh tạo khe hở để bị lợi dụng

(PLO) - Đây là đề xuất của nhiều đại biểu tham dự cuộc họp Tổ biên tập mở rộng về Dự án Luật Đấu giá tài sản do Cục Bổ trợ tư pháp tổ chức hôm qua (24/3).
Một phiên bán đấu giá.
Một phiên bán đấu giá.

Hoạt động đấu giá của VAMC “không thể ngoài luật”

Theo Dự án Luật, trong nhiều loại tài sản đấu giá, có “tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua trong trường hợp Công ty lựa chọn bán thông qua đấu giá”.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (ĐGTS) Đồng Nai Nguyễn Thiên Thái nhận định Dự luật đã đưa ra nhiều loại tài sản bán đấu giá, tuy nhiên với tài sản là nợ xấu của VAMC thì không nên đưa vào bởi nợ tín dụng chỉ có thời điểm, khi “cơn bão” đó đi qua thì không cần thiết phải điều chỉnh nữa.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến khác cho rằng Dự luật đang trao quyền “quá đặc biệt” cho VAMC. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Nguyễn Thị Thu Hòe phân tích, nếu không đưa vào quy định này thì hoạt động đấu giá của VAMC sẽ theo trình tự, thủ tục nào? Đương nhiên không thể ngoài Luật này, do đó cần thiết phải đưa vào quy định của VAMC. Tuy nhiên, Dự luật không chỉ “khoanh” ba tổ chức hành nghề mà còn có nhiều công ty khác hoạt động bán ĐGTS, do đó cần có thêm quy định bao quát các hình thức hành nghề khác.

Được biết, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, khi cho ý kiến vào Dự án Luật ĐGTS, có đại biểu Quốc hội đã đề xuất bổ sung quy định về VAMC vào Dự luật để thuận lợi trong việc điều chỉnh hoạt động đấu giá của mô hình này.

“Tôi ở Hoàn Kiếm, lên Ba Vì mua hồ sơ bằng đánh đố”

Đề cập nhiều khó khăn trong thực tế hoạt động ĐGTS của các tổ chức hành nghề, ông Trần Hữu Năng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ĐGTS Việt Nam phản ánh tình trạng một số công ty đấu giá tự đặt thêm nhiều quy định để hạn chế người mua (chẳng hạn doanh nghiệp không nợ thuế mới được tham gia đấu giá). Đặc biệt trong những vụ bán tài sản nhà nước, dễ gây thất thoát cho ngân sách.

Cũng theo ông Năng, một số doanh nghiệp đấu giá mở bán hồ sơ ở những nơi xa tít tắp, trong khoảng thời gian chỉ 2 tiếng đồng hồ, làm khách hàng “xoay không kịp”. “Doanh nghiệp tôi ở Hoàn Kiếm, ông đấu giá bán hồ sơ tận ở Ba Vì, khác gì đánh đố”, ông Năng nói và đề xuất Dự luật cần quy định cụ thể việc bán hồ sơ chỉ được tiến hành ở trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của tổ chức hành nghề. Thời gian bán phải là 8 giờ làm việc “Quy định như vậy sẽ tránh những khuất tất, tạo kẽ hở để doanh nghiệp đấu giá lợi dụng”. Đại diện Sở Tư pháp Ninh Bình và một số ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm này.

Bảo đảm quyền của các bên tham gia đấu giá là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm. Ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm bán ĐGTS Hải Dương đề nghị, việc hủy kết quả đấu giá phải quy định chặt chẽ, cần quy định theo hướng ấn định trong khoảng thời gian 90 ngày sau khi trúng đấu giá mà không nộp tiền thì sẽ bị hủy kết quả, còn nếu đã nộp một phần thì tịch thu sung công quỹ.

Ông Nguyễn Văn Tuý, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam, Bộ Tài chính nêu thực tế nhiều vụ bán đấu giá chỉ có một người tham gia, trúng rồi nhưng không mua nữa mà chờ các lần hạ giá tiếp theo. “Có thể quy định ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp chỉ có một người mua đấu giá để tránh giảm giá nhiều lần gây thất thoát cho ngân sách”, ông Tuý đề nghị.

Còn đại diện Công ty Đấu giá Lạc Việt thì cho rằng, Dự luật cần bổ sung các quy định về bán tài sản tự nguyện. Trong trường hợp niêm yết công khai cũng cần cho các bên được thỏa thuận với nhau mà không phải bắt buộc chỉ là trên báo in và báo hình, dễ phát sinh thêm chi phí.

Dẫn tình trạng có doanh nghiệp đấu giá đã tiêu hết tiền đặt trước của người có tài sản đấu giá, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Kim Thị Ánh đề nghị nên bổ sung quy định khoản tiền này có thể gửi vào tài khoản của người có tài sản, tránh tình trạng nêu trên./.

Đọc thêm