Nộp trực tiếp hay qua tài khoản?
Để khắc phục tình trạng nói trên, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bán đấu giá (BĐG), Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đã đề xuất cơ chế quản lý tiền đặt trước. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, hiện có hai loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên quy định khoản tiền đặt trước được nộp trực tiếp cho tổ chức bán ĐGTS. Khoản tiền đặt trước được nộp vào tài khoản tạm giữ tại ngân hàng nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người đăng ký tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá sau này.
Trong trường hợp BĐG tại vùng sâu, vùng xa, không có tổ chức ngân hàng để mở tài khoản tạm giữ thì nộp trực tiếp cho tổ chức bán ĐGTS; đồng thời để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với việc BĐG các loại tài sản lớn thì cần bổ sung hình thức thay thế bằng bảo lãnh của ngân hàng. Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn hình thức nộp tiền đặt trước.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó người tham gia đấu giá có thể trực tiếp nộp tiền đặt trước cho tổ chức bán ĐGTS hoặc nộp vào tài khoản tạm giữ tại ngân hàng. Tuy nhiên, cần quy định rõ cơ chế quản lý số tiền này.
Quan điểm của Tổ biên tập Dự thảo Luật là trong tình hình thực tiễn BĐG ở nước ta hiện nay, để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, bên cạnh hình thức nộp tiền qua tài khoản tạm giữ tại ngân hàng thì cũng cần có hình thức nộp tiền trực tiếp cho tổ chức BĐG trong trường hợp BĐG các loại tài sản thông thường, có giá trị không lớn.
Tuy nhiên, cần quy định cơ chế quản lý chặt chẽ số tiền này. Bên cạnh đó, để bảo đảm phù hợp với việc BĐG các loại tài sản có giá trị lớn, Dự thảo Luật bổ sung hình thức bảo lãnh của ngân hàng theo thỏa thuận lựa chọn của các bên.
Chặt quá sẽ khó cho doanh nghiệp
Từ kinh nghiệm của ngành Tòa án, đại diện TANDTC ủng hộ loại ý kiến thứ nhất và cho rằng nên có cơ chế quản lý tiền đặt trước, việc này giống như ngành Tòa án khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng mở tài khoản ở ngân hàng để quản lý. “Thế giới người ta đều làm vậy”, đại diện này cho biết thêm.
Giám đốc Công ty CP Đấu giá Bắc Trung Nam Lê Anh Linh cùng quan điểm “phải quản chặt số tiền đặt trước”. Thực tế, đã có tổ chức hành nghề đấu giá thu tiền đặt trước tới 40 ngày với số tiền hàng trăm triệu đồng. Số lãi thu được từ khoản tiền này khi gửi ngân hàng là không nhỏ. Do đó, có thể đưa ra quy định, thu tiền đặt trước trước 3 ngày, nếu người tham gia đấu giá không trúng thì phải trả lại cho họ sau 2 ngày.
Ông Linh cho biết, ở Công ty Đấu giá Bắc Trung Nam, số tiền đặt trước của người tham gia đấu giá sẽ được công ty gửi vào tài khoản ngân hàng. Ngân hàng sẽ có một cam kết sẽ trả lại số tiền đặt trước này cho khách hàng trong trường hợp họ không trúng đấu giá.
Tỏ ra thận trọng, ông Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Đấu giá số 5 (Hà Nội) cho rằng, thực tế ở Công ty ông, nhân viên vẫn nhận tiền rồi chuyển vào tài khoản, tuy nhiên với cơ chế về quản lý tiền đặt trước ông Minh khuyến cáo “quản chặt quá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”. Ông Minh cũng đề xuất những trường hợp phong tỏa thì mới nên buộc nộp tiền vào tài khoản. Và nên quy định trong văn bản hướng dẫn số tiền từ bao nhiêu trở lên thì phải nộp vào tài khoản.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến còn đề nghị cần quy định rõ các trường hợp bỏ không mua đấu giá thì xử lý tiền đặt trước đó như thế nào; quy trình hoàn tiền cho người không trúng đấu giá ra sao…
Người tham gia ĐGTS phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức ĐGTS và người có tài sản đấu giá thỏa thuận nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức ĐGTS thỏa thuận việc nộp tiền đặt trước vào tài khoản ký quỹ tại tổ chức tín dụng do tổ chức đấu giá mở. Các bên có thể thỏa thuận thay thế nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. (Khoản 1 Điều 35 Dự thảo Luật Đấu giá tài sản).