Trực thuộc Chính phủ hay thuộc tỉnh?
Một trong những điểm nhận được sự quan tâm của gần như tất cả các ĐBQH là vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương ĐVHCKTĐB. Hiện tại, Chính phủ đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1 đề nghị không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại ĐVHCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng ĐVHCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn ĐVHCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này. Phương án 2 được Chính phủ đưa ra là tổ chức chính quyền địa phương ĐVHCKTĐB gồm có HĐND và UBND.
Theo dự thảo Luật, quy định riêng về ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng ĐVHCKTĐB được nêu như sau:
- Vân Đồn: phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.
- Bắc Vân Phong: phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính.
- Phú Quốc: phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; công nghệ sinh học.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định một số chính sách ưu đãi riêng áp dụng đối với từng ĐBHCKTĐB.
Qua thảo luận tại phiên họp, đa số các ĐBQH cũng bày tỏ tán thành với phương án 1 được Chính phủ đề xuất. ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng mô hình này tạo ra điều kiện thuận lợi để phát triển và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp thông lệ quốc tế.
Nhận định tính tự chủ, tự quản là linh hồn của ĐVHCKTĐB nên ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng không nên áp dụng mô hình trực thuộc hành chính thuộc tỉnh như các địa phương hiện nay với mô hình ĐVHCKTĐB.
Với quan điểm như vậy, ĐB Bình đề nghị quy định các ĐVHCKTĐB nên thuộc Chính phủ hoặc có thể được phân cấp một số quyền của Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Người đứng đầu các đơn vị đó được Thủ tướng Chính phủ phân cấp một số quyền của Thủ tướng và quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho phù hợp.
ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cũng kiến nghị QH chọn phương án 1 với lý do thiết chế đặc khu trưởng sẽ đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và nhà đầu tư, tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế nội khu phát triển mạnh mẽ và năng động. “Ở đây là quyền quyết định dựa trên nền tảng các quy định trong khuôn khổ pháp lý. Còn phần trách nhiệm trực tiếp trước Đảng, Nhà nước và nhân dân nếu chúng ta quá dựa vào cơ chế tập thể thì tính chịu trách nhiệm cá nhân phần nào cũng bị hạn chế. Do vậy, với cơ chế nâng cao trách nhiệm người đứng đầu thì tôi tin rằng quyết định của người đứng đầu sẽ được cân nhắc và thận trọng”, ĐB nói.
Tuy nhiên, ĐB Thạch Phước Bình cho rằng nhiệm vụ của trưởng ĐVHCKTĐB thể hiện sự vượt trội, đột phá về giao thẩm quyền nhưng cơ chế giám sát thì quy định còn chung chung. Do đó, ĐB đề nghị cân nhắc, xem xét quy định rõ thêm. Ngược lại, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lựa chọn phương án 2.
“Phương án 2 tôi nghĩ sẽ thực hiện có mô hình HĐND và UBND, quy định lại số lượng thẩm quyền của UBND và HĐND ít hơn cho thuận lợi, dễ dàng. HĐND thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với chính quyền của đặc khu. Từ chỗ giao thẩm quyền giống như tỉnh và có thể có những quyền cao hơn tỉnh, ví dụ được Chính phủ ủy nhiệm để cho đặc khu thể hiện được tầm vóc xứng tầm, đối ngoại thu hút, kêu gọi được đầu tư thuận lợi, dễ dàng, không phải ở tầm vóc như cấp huyện…”, ĐB nói.
Có nên giao đất 99 năm?
Cũng thảo luận tại phiên họp, ĐB Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo Luật đề xuất mở rộng thời gian giao đất lên đến 99 năm. “Tại sao chúng ta lại mở so với luật hiện hành? Luật hiện hành tối đa là 70 năm mà chỉ Thủ tướng mới quyết định. Còn ở trong này chúng ta quy định những người được cấp quyền sử dụng đất 99 năm là nhà đầu tư chiến lược. Nhưng khái niệm nhà đầu tư chiến lược lại rất dễ dãi, ví dụ nếu anh đầu tư vào casino 44.000 tỷ, anh được cấp đất 99 năm. Chúng ta không biết 50 năm nữa thì loài người có xài tiền không, 50 năm nữa còn đánh bạc không và nếu 50 năm nữa người ta đánh bạc người ta có đánh theo kiểu casino này không mà chúng ta lại quy định một nhà đầu tư 44.000 tỷ đầu tư vào casino chúng ta cấp đất 99 năm. Nếu như 30 năm nữa casino đó thất bại, chúng ta có thu hồi đất không? Tôi đề nghị bỏ việc cấp chủ quyền sử dụng đất 99 năm và chúng ta áp dụng như hiện nay, tối đa là 70 năm”, ĐB nói.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc giao đất với thời hạn tối đa 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh và có thể dẫn đến những thay đổi và khó dự báo. Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), nếu giao đất cho các dự án kéo dài 70 năm, 90 năm, thậm chí hơn như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất.
Nhận định các địa bàn dự kiến thành lập 3 ĐVHCKTĐB là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều là những nơi có địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, ĐB Nguyễn Văn Tuyết cũng cho rằng cần phải làm rõ vấn đề bảo vệ quốc phòng, an ninh, quốc gia cũng như tác động đến tình hình an ninh, chính trị trong khu vực.
ĐB cũng đề nghị đánh giá tác động đối với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ ở các khu vực này. Về các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương tại đây.
* ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long):
Quy định để không dẫn đến lạm quyền, vượt quyền
“Tôi tán thành với phương án 1 vì mô hình này sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong cơ chế quản lý hành chính, đơn giản thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian xử lý các công việc của địa phương, từ đó sẽ tăng sức hút, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại các ĐVHCKTĐB. Đây sẽ là một bước thí điểm về chính sách để có cơ sở xem xét thực hiện các điều chỉnh cần thiết trong mô hình tổ chức cơ quan hành chính chính quyền địa phương các cấp nói chung, đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, đây là một mô hình rất mới. Bên cạnh việc giao thiết chế này nhiều thẩm quyền quan trọng thì vẫn cần phải xác định cơ chế giám sát kiểm soát quyền lực để vừa đề cao trách nhiệm cá nhân, đảm bảo tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý nhưng cũng không dẫn đến lạm quyền, vượt quyền”.
* ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre):
Bổ sung cơ chế đặc thù trong tuyển chọn đề bạt cán bộ
“Để thể hiện tính đặc biệt hay nói cách khác là tính khác biệt về hành chính, tôi đề nghị bổ sung thêm vào dự án luật quy định về nhiệm kỳ của trưởng ĐVHCKTĐB; cách định hướng nguyên tắc cơ bản để hình thành hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả và đủ thẩm quyền... Ngoài ra, để giúp cơ chế phản ứng nhanh của đặc khu, dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế đặc thù trong tuyển chọn, đề bạt cán bộ, kể cả chức vụ trong ĐVHCKTĐB như thi tuyển, tranh cử, rút gọn quy trình xử lý kỷ luật và giảm bớt một số hình thức kỷ luật, chỉ giữ lại những hình thức kỷ luật cao nhất”.
* ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định):
Quy định tiêu chuẩn ngoại ngữ và tin học đối với người đứng đầu
“Tôi quan tâm là về tiêu chuẩn của trưởng đặc khu hành chính hay Chủ tịch UBND ĐVHCKTĐB. Là người đứng đầu của chính quyền và phải luôn tiếp xúc làm việc với các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài… theo tôi, ngoài các tiêu chuẩn đã được Đảng, Nhà nước quy định đối với những người có chức vụ tương đương, nếu chúng ta không xem xét đến trình độ ngoại ngữ và tin học đối với trưởng khu hành chính hay Chủ tịch UBND ĐVHCKTĐB thì nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền để tạo sự phát triển vượt bậc của các ĐVHCKTĐB sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, tôi đề nghị tiêu chuẩn ngoại ngữ và tin học đối với trưởng đặc khu hay Chủ tịch UBND ĐVHCKTĐB cần được quan tâm khi xem xét bổ nhiệm và cũng mở rộng tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học đối với cả cấp phó và một số bộ phận cần thiết khác”.
* ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau):
Phải chú ý đến mặt trái của mô hình
“Qua thực tiễn tổ chức mô hình của các nước cho thấy ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về thuế, không phải là tính vượt trội mà chính là môi trường, là thủ tục đầu tư. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là phải chú ý đến mặt trái của các mô hình, kể cả mô hình thành công như Thẩm Quyến, như phát triển thiếu cân đối, đầu cơ đất đai, nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, lao động giá rẻ bị bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác”.