Hôm qua, 13/9, lần đầu tiên dự án Luật Hộ tịch được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 11. Với nhiều quy định mang tính đột phá, dự án Luật nhận được nhiều sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra cũng như ý kiến các Ủy viên UBTVQH.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu tại phiên họp |
Chưa yên tâm khi giao tất cả việc đăng ký hộ tịch cho cấp xã
Một trong những nội dung mới, quan trọng của Dự án Luật Hộ tịch là giao tất cả việc đăng ký hộ tịch trong nước về cho UBND cấp xã thực hiện (hiện nay việc đăng ký hộ tịch do cả ba cấp tỉnh, huyện, xã cùng làm), riêng đối với đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trước khi đăng ký phải xin ý kiến cấp huyện.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Thường trực UB tán thành với việc phân cấp cho UBND cấp xã về đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, việc quy định đăng ký hộ tịch đối với thay đổi, cải chính hộ tịch phải xin ý kiến cấp huyện là không hợp lý. Quy định này sẽ làm phát sinh thêm thủ tục trong chính cơ quan nhà nước, người dân phải mất thêm thời gian chờ đợi.
Tương tự, việc giao thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài về cho UBND cấp xã như quy định của dự thảo Luật, theo UB Pháp luật là một vấn đề lớn cần được cân nhắc hết sức thận trọng. UB này cho biết, nhiều ý kiến đề nghị việc đăng ký các sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài vẫn giao cho Sở Tư pháp thực hiện như hiện nay (hoặc có cải cách thì phân cấp triệt để giao cho cấp huyện thực hiện tất cả việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài); tuy nhiên, để từng bước đưa việc hộ tịch của công dân về cho cơ sở giải quyết thì có thể giao cho UBND cấp xã thẩm quyền đăng ký một số việc hộ tịch đơn giản không quá phức tạp, như đăng ký khai sinh, khai tử…
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tỏ ra băn khoăn “nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc không đơn giản cấp huyện làm còn khó, vì không phải nhận là xong, còn theo dõi tình hình con nuôi ở nước ngoài”. Theo ông Phúc, không nên xin ý kiến mà phân cấp cụ thể cái gì huyện làm, cái gì tỉnh làm.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng lo ngại: để cấp huyện làm cũng chưa yên tâm, huống hồ cấp xã. Hiện nay, nhiều việc tỉnh còn phải nhờ Bộ, Cơ quan ngoại giao. “Giao việc cho xã, xã có đủ năng lực mà làm không. Rồi còn xin ý huyện, nếu sai ai chịu trách nhiệm”? - ông Hiện đặt câu hỏi.
Sổ hộ tịch: cấp được là lý tưởng
Nhằm khắc phục tình trạng dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán do được ghi vào nhiều loại sổ, gây khó khăn trong quản lý và không kết nối được với nhau, cũng như tạo thuận lợi cho người dân, Dự thảo quy định về Sổ hộ tịch cá nhân (Sổ này cấp cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh, trong đó ghi nhận các sự kiện hộ tịch của cá nhân).
Như vậy, thay vì người dân phải lưu giữ các loại giấy tờ về hộ tịch như hiện nay (giấy khai sinh, kết hôn, ly hôn, cải chính hộ tịch (nếu có)...) thì kể từ khi Luật có hiệu lực, mỗi người khi sinh ra sẽ được cấp một Sổ hộ tịch. Khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của mình (như khai sinh, kết hôn…), người dân chỉ cần xuất trình Sổ hộ tịch cá nhân cho cơ quan, tổ chức yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt quan tâm đến loại sổ này. Tuy nhiên, Chủ tịch vẫn băn khoăn "mỗi Luật đặt ra một sổ, mỗi Nghị định lại có thêm 1 giấy. Như thế có phải bắt người dân mang nhiều loại giấy tờ quá hay không”? Chủ tịch cũng đặt câu hỏi “ 87 triệu dân cấp mỗi người 1 sổ, thông tin về cá nhân phải lần giở lại sao làm nổi. Phải lưu ý là tránh gây rắc rối cho dân”.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: chỉ đặt ra việc cấp sổ cho những người sinh ra sau ngày Luật có hiệu lực, còn với 87 triệu dân số hiện tại các loại giấy tờ hộ tịch vẫn giữ nguyên giá trị. Theo Bộ trưởng, quy định như vậy sẽ không làm xáo trộn trong đời sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá cao ý tưởng xây dựng Sổ hộ tịch “chỉ bằng 1 thao tác mà ra tất cả sự kiện liên quan đến con người đó thì tốt quá”. Nhưng ông Hiện phân vân “lúc này điều kiện đã chín muồi để làm chưa? Nếu làm sổ thì phải rõ xem sổ đó thay những giấy tờ gì?”
Nhiều ý kiến trong Thường vụ cũng ủng hộ đề xuất của Chính phủ về cấp Sổ hộ tịch nhưng lưu ý, làm sao để không có quá nhiều loại giấy tờ, mà tương lai chỉ cần 1 loại sổ là tốt nhất.
Kết luận phiên họp về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu “việc cấp một loại sổ phải thống nhất với các Bộ, rà soát các quy định liên quan. Cần làm rõ sổ này có thay thế các loại giấy tờ hiện nay không”?. Phó Chủ tịch cũng đánh giá đây là dự luật có nhiều đột phá nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải làm rõ hơn, chuẩn bị chu đáo hơn để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Thu Hằng