Dự án Luật Hộ tịch: Quy định đột phá, tạo điều kiện hết mức cho dân

Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã phân công Bộ trưởng Tư pháp chuẩn bị Dự án Luật Hộ tịch. Đây là dự án luật liên quan thiết thực đến đời sống người dân. Với tinh thần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân khi có yêu cầu, dự án Luật Hộ tịch có những quy định được coi là đột phá.

Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã phân công Bộ trưởng Tư pháp chuẩn bị Dự án Luật Hộ tịch. Đây là dự án luật liên quan thiết thực đến đời sống người dân. Với tinh thần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân khi có yêu cầu, dự án Luật Hộ tịch có những quy định được coi là đột phá.

Dự thảo Luật dự kiến giao tất cả các việc đăng ký hộ tịch  (kể cả các việc hộ tịch đang do cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết)  cho UBND cấp xã giải quyết
Dự thảo Luật dự kiến giao tất cả các việc đăng ký hộ tịch (kể cả các việc hộ tịch đang do cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết) cho UBND cấp xã giải quyết

Giải quyết mọi yêu cầu đăng ký: chỉ cần đến UBND cấp xã?

Hiện nay, theo quy định hiện hành thì việc đăng ký hộ tịch “nằm” ở ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Dự thảo Luật dự kiến giao tất cả các việc đăng ký hộ tịch (kể cả các việc hộ tịch đang do cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết) cho UBND cấp xã giải quyết.

Quy định này, theo Bộ Tư pháp nhằm khắc phục tình trạng cấp tỉnh vẫn “sa” vào xử lý vụ việc, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với hoạt động nghiệp vụ, tránh trùng lắp, chồng chéo. Và quan trọng hơn, khi có yêu cầu người dân chỉ cần đến cấp xã, vừa thuận lợi vừa giảm chi phí.

Riêng các việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thay đổi cải chính hộ tịch, Dự thảo đưa ra phương án UBND cấp xã phải xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tư pháp. Nhiều ý kiến cho rằng phân cấp về xã là phương án rất lý tưởng, tuy nhiên xã chỉ nên hỏi huyện là cấp trên trực tiếp, chứ không nên hỏi tỉnh.

Mỗi người một sổ, lợi đôi đường

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi việc về hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ…) được đăng ký vào một sổ hộ tịch tương ứng. Ngoài các sổ hộ tịch này, mỗi sự kiện sau khi được đăng ký người dân còn được cấp bản chính các loại giấy tờ và bản sao từ sổ gốc.

Nhược điểm của phương thức đăng ký này là dữ liệu hộ tịch của mỗi cá nhân bị phân tán ở các sổ hộ tịch khác nhau và ở nhiều nơi khác nhau. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý còn  người dân cũng khó khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của mình (ví dụ đã kết hôn chưa…).

Phương thức mới trong đăng ký hộ tịch là tất cả sự kiện hộ tịch của mỗi cá nhân được đăng ký chung vào một sổ hộ tịch thống nhất (thay vì nhiều sổ như hiện tại). Trong trường hợp một người thay đổi nơi cư trú thì sẽ di chuyển nơi quản lý dữ liệu hộ tịch của cá nhân mình đến nơi tịch viên nơi đang quản lý dữ liệu của mình cấp cho bản sao toàn bộ dữ liệu hộ tịch của người đó đến nơi cư trú mới.

Ưu điểm của phương thức đăng ký này là tích hợp được các dữ liệu hộ tịch của mỗi cá nhân một cách đầy đủ trong một sổ bộ hộ tịch, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong đăng ký hộ tịch và xin cấp các giấy tờ hộ tịch của mình.

Đồng thời, để giải quyết trường hợp do nhiều lý do khác, Sổ hộ tịch cá nhân bị mất hoặc hư hỏng, dự thảo Luật hộ tịch cũng quy định về việc cấp lại Sổ hộ tịch cá nhân.

Chuyên nghiệp hóa công tác hộ tịch: cần có hộ tịch viên

Dự thảo Luật Hộ tịch lần đầu tiên quy định về chức danh hộ tịch viên trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp khác, theo hướng chuyên nghiệp hóa để đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, đáp ứng được việc chuyển đổi mô hình đăng ký hộ tịch ở một cấp.

Chức danh hộ tịch viên cần được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ về hộ tịch như các chức danh tư pháp khác (công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên…).

Quá trình lấy ý kiến Dự án Luật, đại đa số ý kiến đồng tình phải có chức danh hộ tịch viên. Tuy nhiên, có ý kiến còn lo ngại sẽ làm phình bộ máy. Vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, theo thống kê hầu hết các xã, phường, thị trấn trên cả nước đã bố trí ít nhất 2 cán bộ thực hiện công tác tư pháp – hộ tịch, do đó sẽ không phát sinh thêm bộ máy. Trường hợp hộ tịch viên ở những địa bàn ít dân cư, vùng sâu, xa, khối lượng không nhiều thì căn cứ vào tình hình thực tế, UBND cấp xã có thể phân công đảm trách thêm một số nhiệm vụ khác.

Dự thảo Luật cũng quy định vấn đề mã số cá nhân (MSCN). Theo đó, MSCN được cấp cho mỗi người từ khi đăng ký khai sinh và được dùng làm cơ sở để cấp số định danh công dân, chứng minh nhân dân, sẽ đảm bảo thống nhất các mã số khác nhau, khắc phục tình trạng có quá nhiều loại mã số không cần thiết. Quy định như Dự thảo Luật sẽ không ảnh hưởng đến việc cấp các loại mã số khác đang được sử dụng.

T.Hằng

Đọc thêm