Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Băn khoăn quy định về ngôn ngữ đối với bác sỹ người nước ngoài

(PLVN) - Chính phủ thống nhất quy định việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh theo hướng người nước ngoài nếu hành nghề lâu dài tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng tránh tạo rào cản kỹ thuật đối với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa lỗi phiên dịch

Dự thảo Luật trình ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong tuần qua có đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám chữa bệnh (KCB). Trong đó, đáng chú ý, về hệ thống cơ sở KCB, dự thảo Luật quy định tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở KCB của cả nhà nước và tư nhân như hiện nay nhưng có sự thay đổi về phân cấp chuyên môn. Theo đó, hệ thống cơ sở KCB được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn, thay vì 4 tuyến như hiện nay, gồm cấp KCB ban đầu; cấp KCB cơ bản; cấp KCB chuyên sâu.

Quy định về sử dụng ngôn ngữ của người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên họp của UBTVQH vừa diễn ra. Điều 22 dự thảo Luật quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề KCB tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp chỉ đăng ký KCB cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam để KCB nhân đạo, đào tạo thực hành về KCB và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về KCB thì không phải biết tiếng Việt thành thạo. Việc đánh giá mức độ thành thạo tiếng Việt thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục. Việc sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Việt trong KCB thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc quy định như dự thảo Luật sẽ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và của cơ sở KCB, hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa lỗi phiên dịch; bảo đảm hội nhập quốc tế và hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không ảnh hưởng nhiều đến nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ KCB. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này là chưa thực sự hợp lý, gây ra rào cản kỹ thuật cho người nước ngoài vào hành nghề, cản trở việc tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, tác động đến cơ sở KCB có người nước ngoài hành nghề.

Thẩm tra về nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội của QH thấy rằng, quy định chặt chẽ về việc sử dụng ngôn ngữ trong KCB là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lộ trình áp dụng để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, cần xác định rõ tiêu chí “biết tiếng Việt thành thạo” và “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ” nhằm đảm bảo tính minh bạch của quy định, tránh tạo rào cản kỹ thuật đối với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

Kiểm soát về phiên dịch, chuyên môn

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của QH Lê Tấn Tới cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật sẽ “tự dựng bức tường” ràng buộc vì “chúng ta rất cần tiếp cận với thế giới về kỹ thuật cao trong KCB. Bệnh viện nào có công nghệ tiên tiến nhất thì thu hút người khám bệnh. Ở đó có những chuyên gia, bác sỹ người nước ngoài”.

Ông Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ và cho biết “quan điểm của tôi là ủng hộ chuyên gia, bác sỹ nước ngoài nhưng kiểm soát về phiên dịch, kiểm soát về chuyên môn”.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường lấy ví dụ một giáo sư hàng đầu của thế giới về một lĩnh vực nào đó nhân chuyến công tác ở Việt Nam tiến hành điều trị, phẫu thuật cho vài bệnh nhân. Việc này là quá tốt. Họ không nói được tiếng Việt và cũng không cần học tiếng Việt vì việc phẫu thuật đó chỉ là nhân chuyến công tác của họ.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề KCB là vấn đề nan giải, vướng mắc từ lâu. “Chính phủ hiện nay vẫn kiên trì đề xuất phương án nếu người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư nước ngoài mà muốn đăng ký hành nghề KCB tại Việt Nam thì phải biết tiếng Việt thành thạo, trừ trường hợp người hành nghề nước ngoài chỉ đăng ký KCB cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Vấn đề này đang còn có ý kiến khác nhau nên cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nên lập luận theo từng phương án một để trình ra QH xem xét. Ta chưa nên chốt cứng quy định này mà để huy động trí tuệ 500 đại biểu sẽ sáng suốt hơn”, Chủ tịch QH nói và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra lập luận theo từng phương án, có dẫn kinh nghiệm quốc tế, hội nhập quốc tế để QH rộng đường quyết định”.

Ghi nhận các điểm mới tích cực của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 5 vấn đề cần được chú ý khi hoàn thiện dự thảo Luật. Cụ thể:

Thứ nhất, chú ý quan điểm bảo vệ tốt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh và tránh được nguy cơ lạm dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao.

Thứ hai, bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong chăm sóc y tế.

Thứ ba, phải rõ ràng, minh bạch và giải trình trách nhiệm của các bên tham gia vào hệ thống y tế, cũng như hoạt động khám chữa bệnh.

Thứ tư, cơ chế đánh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo đảm khoa học, khách quan.

Thứ năm, tuân thủ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về bảo đảm hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, thiết kế luật này lấy bệnh nhân làm trung tâm, thực thi hành động toàn cầu về an toàn bệnh nhân trong công tác khám bệnh, chữa bệnh để loại trừ sai sót, lạm dụng khám chữa bệnh trong kinh tế thị trường, gây tổn thương thêm cho bệnh nhân trong chăm sóc y tế.

Đọc thêm