Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, qua rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp trong thực tiễn cho thấy đã có một số vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Doanh nghiệp.
Căn cứ các nội dung về cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp và bổ sung quy định thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, việc rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách để đảm bảo tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và khẳng định sự cam kết của Việt Nam trong thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.
Dự thảo Luật gồm 2 Điều, Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Điều 2 về điều khoản thi hành. Theo đó, dự án Luật sửa đổi khoản 5, 14, Điều 4 làm rõ thêm khái niệm về cổ tức, giá trị thị trường của phần vốn góp, thị phần để phù hợp với các khái niệm trong Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn triển khai và để làm rõ giá trị thực của cổ phiếu, tránh trường hợp cổ phiếu bị thao túng để điều chỉnh giá tăng cao hoặc thấp.
Bổ sung khoản 35, 36, 37, 38, 39, Điều 4, giải thích một số khái niệm, từ ngữ trong Luật để không còn tình trạng có các cách hiểu khác nhau. Cụ thể, Luật đã quy định rõ khái niệm về kê khai khống vốn điều lệ nhằm có cơ sở xử lý các hành vi sai phạm này trong thực tiễn; khái niệm về chủ sở hữu hưởng lợi để phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…
Sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 215 để quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong tổ chức đăng ký kinh doanh; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm đối với các nội dung “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, tin cậy, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), Luật bổ sung các quy định về chủ sở hữu hưởng lợi (CSHHL)…
![]() |
Bà Khương Thanh Hà, Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Góp ý tại Hội đồng thẩm định, ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng tình với quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động, không cần phải bổ sung thành phần hồ sơ như quy định. Để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, minh bạch, rõ ràng, thực sự hoạt động, ông Hùng cho rằng ngoài những biện pháp quản lý hành chính, cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia một tổ chức, hiệp hội liên quan đến doanh nghiệp hoặc liên quan đến lĩnh vực ngành nghề mà doanh nghiệp đó đăng ký hoạt động. Nếu doanh nghiệp không tham gia hiệp hội, tổ chức, nên chăng cần có việc ký quỹ nhất định nhằm đảm bảo cho việc giải quyết hậu quả doanh nghiệp tự nhiên “mất tích”, “bỏ trốn”.
Bà Khương Thanh Hà, Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính. Theo bà Hà, nhìn chung các nội dung sửa đổi liên quan đến phòng, chống rửa tiền… đã phù hợp với khuyến nghị của FATF liên quan tới nội dung CSHHL.
Góp ý một số điều khoản cụ thể, bà Hà đề nghị bỏ đoạn “Trường hợp doanh nghiệp không có chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thành lập thì doanh nghiệp phải thông báo kịp thời thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi” tại Điểm 5a bổ sung. Đối với Khoản 38, 39, Điều 4, đề nghị giải thích thêm về việc áp dụng tỷ lệ gián tiếp là 50%; đề nghị bỏ cụm từ “khi xét thấy cần thiết” vì sẽ khó trong quá trình thực hiện, bởi cụm từ này mang tính định tính, k có rõ ràng, cụ thể.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, đồng thời phối hợp cùng các cơ quan khác để chỉnh sửa dự án Luật cho phù hợp…
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú. |
Kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối mới của Đảng và Nhà nước; thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan, đặc biệt là cam kết về phòng chống rửa tiền; giải quyết các vướng mắc mang tính cấp bách, từ đó xác định lại phạm vi điều chỉnh, sửa đổi.
Thứ trưởng đề nghị rà soát lại các quy định của Luật Chứng khoán, Luật Phòng, chống rửa tiền… nhằm đảm bảo sự thống nhất. Đối với vấn đề liên quan đến vốn khống, vốn ảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng những quy định nhằm xử lý vấn đề trên; rà lại ngôn ngữ, kỹ thuật để đảm bảo tính thống nhất.../.