Dự án Luật Thủ đô cần làm rõ hơn cơ chế đặc thù

Hôm qua (5/11), thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô, đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận xét: So với dự án Luật trình Quốc hội khóa XII, Dự án Luật lần này đã tiếp thu cơ bản ý kiến của ĐBQH, làm rõ hơn các cơ chế đặc thù, bảo đảm tính khả thi cao... Tuy nhiên, ĐB cũng lưu ý nhiều vấn đề để các quy định của luật thực sự là động lực cho thủ đô phát triển.

Hôm qua (5/11), thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô, đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận xét: So với dự án Luật trình Quốc hội khóa XII, Dự án Luật lần này đã tiếp thu cơ bản ý kiến của ĐBQH, làm rõ hơn các cơ chế đặc thù, bảo đảm tính khả thi cao...Tuy nhiên, ĐB cũng lưu ý nhiều vấn đề để các quy định của luật thực sự là động lực cho thủ đô phát triển.

Với tinh thần “cả nước chỉ có một Thủ đô”, nhiều ĐBQH tán thành cao sự cần thiết phải ban hành luật, tạo cho thủ đô những cơ chế đặc thù để giải quyết những vấn đề bức xúc đã tồn tại lâu năm, tạo điều kiện cho thủ đô phát triển tương xứng với vị trí, tầm vóc của nó. Đồng thời, ĐB cũng đồng tình dự luật xác định rõ hơn trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

ĐBQH Đào Trọng Thi (Hà Nội) đánh giá, dự thảo Luật lần này có “những bước tiến căn bản, xác định rõ ràng, xác đáng hơn các cơ chế đặt thù cho Thủ đô”. Một trong những cơ chế được ông Thi ủng hộ chính là quy định “siết” nhập cư vào khu vực nội thành.

“Trong điều kiện Thủ đô đang khó khăn về cơ sở hạ tầng, tổ chức đô thị,…việc áp dụng bổ sung những biện pháp mang tính hành chính là cần thiết”, ông Thi nói và đề nghị nên bổ sung điều kiện về diện tích nhà ở thuê trên 5m2/đầu người để bảo đảm mức sống tiêu chuẩn văn minh đô thị, tránh tình trạng “lách luật” khi đăng ký nhập khẩu.

ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cũng tỏ rõ sự lo ngại trước những vấn đề về quản lý dân cư sau 5 năm thi hành Luật Cư trú. ĐB này khẳng định: “Dân số đang gây sức ép đến sự phát triển của Thủ đô, vì thế cần có 1 chế tài hạn chế di cư tự do, ồ ạt vào nội thành. Quy định hạn chế sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân cư Thủ đô”.

Coi biện pháp hạn chế nhập cư nội thành là “rào cản kỹ thuật”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng nhất trí cao phải hạn chế nhưng theo ĐB này “không nên  quy định quan hệ huyết thống để nhập cư vì lo ngại “sẽ bị lợi dụng”. Trong việc đăng ký hộ khẩu thường trú ở nội đô, ĐB Nghĩa cho rằng nhà ở là thứ yếu; nếu chấp nhận ở nội thành thì phải chịu nhiều chế tài là đúng, tuy nhiên, cần có những chính sách ưu đãi đối với khu vực ngoại thành để bớt nhập cư vào nội thành.

ĐB Huỳnh Thành Lập (TP HCM) cũng vẽ lên bức tranh “xám màu” của các đô thị trong vấn đề dân số dù Chính phủ và lãnh đạo chính quyền đô thị đã có nhiều giải pháp. Ông nói: “Đành rằng người dân có quyền tự do cư trú nhưng cũng có quyền được học hành, khám chữa bệnh, nhưng dân số đông sẽ tạo ra cảnh chen chúc, chất lượng cuộc sống không bảo đảm, không phân bổ dân cư hợp lý thì sẽ bế tắc trong giải quyết các vấn đề xã hội”.

ĐB Lập ủng hộ biện pháp hành chính hạn chế nhập cư vào nội thành nhưng cho rằng không nên kèm điều kiện về chỗ ở 5m2/đầu người. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến các ĐBQH đồng tình về siết nhập cư, vẫn còn có  ý kiến bày tỏ sự băn khoăn. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng biện pháp này “hạn chế quyền tự do cư trú của công dân” và chưa “giải quyết tận gốc của vấn đề”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thì “có thể chưa phù hợp với quy định hiện hành thì mới cần ban hành luật, chỉ cần không trái Hiếp pháp”. ĐB Nam nhấn mạnh thêm “hạn chế nhập cư nội thành Hà Nội giờ đã cấp bách lắm rồi, không hạn chế thì không biết sắp tới Thủ đô sẽ thế nào?”.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): “Hạn chế nhập cư nội thành Hà Nội giờ đã cấp bách lắm rồi, không hạn chế thì không biết sắp tới Thủ đô sẽ thế nào?”.

Cần lượng hóa chính sách về tài chính

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo đảm để Hà Nội thực hiện vai trò là Thủ đô của cả nước, theo Chính phủ, việc quy định các cơ chế, chính sách về tài chính là hết sức cần thiết. Theo đó, dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác…

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhận xét: “Luật không quy định cụ thể mục tiêu Hà Nội phải thực hiện, tạo cơ sở cho quy định về đặc thù trong chính sách tài chính”. Ông đặt hàng loạt câu hỏi “cho phép cao hơn là bao nhiêu, cơ sở nào, ai có thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách, cơ chế chịu trách nhiệm?”.

ĐB Tâm cho rằng nếu thiết kế theo phương án 2 (Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán, trừ các khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nước và các khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô..) thì phải tạo cơ chế để Hà Nội đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủng hộ phương án nói trên, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng chỉ rõ “thời gian qua Nhà nước đã có ưu tiên đầu tư cho Thủ đô, việc quy định vào luật sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển tốt hơn”. ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) cũng tán thành nhưng đề nghị “mức độ bao nhiêu cần lượng hóa”.

Phạt cao là cần thiết

Với quy định phạt cao nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhiều ĐB khác ủng hộ quy định này.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị khi thực hiện cần lưu ý tính khả thi của quy định nhất là “trần” không quá hai lần là bao nhiêu, HĐND TP phải có tính toán để nâng mức phạt và mức phạt đó không nhất thiết kịch trần. Bởi lẽ, phạt cao quá có thể dẫn đến thỏa thuận giữa người bị phạt và người có thẩm quyền xử phạt, nhà nước sẽ không thu được gì. Các ĐB cũng lưu ý việc quản lý sử dụng đúng mục đích số tiền thu được.

Với tình cảm đặc biệt và sự yêu quý dành cho thủ đô, nhiều ĐBQH chia sẻ “đòi hỏi sự hoàn thiện tuyệt đối là khó, không chỉ trong dự án Luật này mà trong xây dựng luật pháp nói chung” nhưng với sự “nỗ lực của nhà soạn thảo trong tiếp thu ý kiến mọi nguồn thông tin để có 1 văn bản khả thi hơn như lần này” Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Thủ đô như trông đợi của cử tri cả nước.

Thu Hằng

Đọc thêm