Chú trọng xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhận định, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.
Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “HĐND TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Trên cơ sở quy định này và việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế như nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng chưa có thành tích vượt trội, nổi bật.
Do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp nên TP cũng chưa thu hút được các nhóm đối tượng như chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân…
Theo đại biểu, kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của TP chưa đủ sức hấp dẫn.
Để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.
Cụ thể hóa yêu cầu trên, Điều 17 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, cần trao quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Để thu hút và giữ chân được người tài, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau.
“Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho biết, khoản 2, Điều 17 của dự thảo Luật có quy định 4 điểm liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô nhưng nội dung còn chung chung, không định hình được tiêu chí làm cơ sở áp dụng trong thực tiễn.
Theo đại biểu, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách đặc thù, nếu không có định hình cụ thể thì dù Quốc hội giao thẩm quyền cho HĐND quyết định cũng vẫn phải thận trọng quay về xin ý kiến các bộ, ngành chuyên môn mới có thể ban hành và thực hiện được. Do đó, dự thảo Luật cần dự phòng các tình huống để quy định đảm bảo chặt chẽ, dễ áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) nhận định, dự thảo Luật mới nêu ra các thủ tục, quy trình về mặt hành chính để một người nào đó có thể có những tài năng, thế mạnh nhất định ở những lĩnh vực nhất định thì sẽ được xét tuyển, sẽ được ký hợp đồng, chưa cho thấy mong muốn khuyến khích tuyển dụng nhân tài của Thủ đô Hà Nội.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần có một điều khoản ghi rõ và khẳng định Hà Nội mời, khuyến khích, trọng dụng và có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những người có tài năng, có nguyện vọng cống hiến, làm việc tại các cơ quan TP. Có như vậy mới thể hiện được quyết tâm thu hút nhân tài của Thủ đô.
Xây dựng Thủ đô thành trung tâm tiêu biểu về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cũng bày tỏ tán thành với quy định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được nêu trong dự thảo Luật.
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, để phát huy hết “nguyên khí” của “hiền tài”, phát triển Thủ đô trở thành TP “văn hiến - văn minh - hiện đại”, “trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng”, phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.
Dẫn câu chuyện một nhà khoa học không đủ khả năng để chi trả cuộc sống nên bán “chất xám” để kiếm sống, đại biểu cho rằng đã đến lúc cần xem xét rất nghiêm túc về vấn đề này.
Theo đại biểu, bên cạnh các chính sách ưu đãi về xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp, cần bổ sung và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cụ thể về thu nhập, bao gồm tiền lương và các thu nhập ưu đãi ngoài tiền lương, các ưu đãi hoặc hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế, giáo dục cho người tài và một số lượng nhất định người thân của người tài đó.
Cùng với đó, cần chính sách để tranh thủ nguồn lực của các nhà khoa học, các nhân tài chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới cho các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu của các chương trình cụ thể.
“Nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân người hiền tài gắn bó với khu vực công”, đại biểu nói.
Về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô, theo đại biểu, so với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành, dự thảo Luật đã có bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô.
Khẳng định vai trò giáo dục là quốc sách hàng đầu, đại biểu Vương Quốc Thắng nhận định, muốn Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Để làm được điều này, theo đại biểu, song song với việc chú trọng đầu tư, xay dựng sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; cho phép thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài, ưu đãi về tài chính, chính sách về giáo dục và đào tạo của Thủ đô cần được tiếp tục đổi mới theo hướng chú trọng giáo dục và đào tạo toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ; xây dưng chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các học của Thủ đô…