Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): Luật hóa tối đa các quy định để bảo đảm tính khả thi

(PLVN) - Chiều 17/6, tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu đề nghị quy định cụ thể vào trong Luật về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và một số nội dung khác để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho việc thực thi trong thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Quy định cụ thể ngưỡng doanh thu không chịu thuế

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) gồm 4 chương, 18 điều, cơ bản kế thừa các nội dung từ Luật hiện hành. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 11 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất; phương pháp khấu trừ thuế; bổ sung quy định về thời điểm xác định thuế GTGT; luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật...

Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, các đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế GTGT để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) lưu ý, sửa đổi Luật Thuế GTGT hiện hành cần chú ý bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; bảo đảm thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước, cũng như ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên họp.

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, dự thảo Luật sửa đổi quy định mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (theo quy định của Luật hiện hành) thành “dưới mức do Chính phủ quy định”. Cho rằng việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay nhưng Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) và một số đại biểu khác đề nghị quy định cụ thể vào trong Luật về ngưỡng doanh thu sẽ không phải chịu thuế để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho việc thực thi trong thực tiễn.

Cũng tại phiên họp, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, Đại biểu Hoàng Văn Cường và các đại biểu khác tán thành với việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết của việc tiếp tục giảm thuế, hiệu quả cụ thể của việc thực thi chính sách này trong thời gian qua để các đại biểu QH yên tâm bấm nút thông qua.

Ngoài ra, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam chỉ ra rằng, dự thảo Luật gồm 4 chương, 18 điều nhưng một số điều của dự án Luật quy định còn chung chung, trong đó có đến 10 điều quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết là khá nhiều so với bố cục điều, khoản của Luật. Do vậy, Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, luật hóa để thực hiện thống nhất, nâng cao tính khả thi trong thực tiễn khi Luật được thông qua và có hiệu lực, tránh tình trạng khi Luật có hiệu lực phải mất thời gian chờ văn bản hướng dẫn áp dụng.

Cân nhắc việc tăng mức thuế suất phổ thông

Trong bối cảnh phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, kinh tế số như hiện nay, Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn TP Cần Thơ) đề nghị bổ sung, làm rõ hơn người nộp thuế là tổ chức, cá nhân bán hàng từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc cung cấp dịch vụ (số hóa) thông qua internet cho người mua tại Việt Nam để bảo đảm chắc chắn cho việc thu thuế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề rất cần cân nhắc. Bởi, theo Đại biểu, hiện nay, muốn khuyến khích, thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế, nếu tăng thuế GTGT sẽ xảy ra tác động ngược so với mong muốn.

Theo Đại biểu, mức thuế suất phổ thông của chúng ta thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới (khoảng 15%) nhưng so với các nhóm nước đang phát triển thì không phải là thấp. “Chúng ta còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác; điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào trong khi thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn”, Đại biểu nói.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 17/6/2024, tại Hà Nội, Quốc hội họp tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Đọc thêm