Dự án nhà hát Thủ Thiêm gây xôn xao dư luận, Bộ Văn hóa nói gì?

Theo ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTD), đối với việc xây dựng Nhà hát, quan điểm của Bộ VHTTDL đó là khi có thêm bất kỳ một thiết chế văn hóa nào thì đó là điều đáng mừng cho ngành. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch thuộc thẩm quyền của TP HCM.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL. Ảnh: Báo Tổ quốc.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL. Ảnh: Báo Tổ quốc.

Trước những thông tin về việc TP HCM thông qua Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch, trao đổi với báo giới chiều qua, 16/10, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ chưa nhận được thông tin từ TP HCM về việc này.

"Cho đến thời điểm này, Bộ VHTTDL chưa nhận bất kỳ một thông tin nào từ TP HCM trong việc xây dựng Dự án này. Hiện, Bộ đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn trao đổi với Sở Văn hóa, thể thao TP HCM nhưng chỉ tính chất nghiệp vụ",  Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL nói.

Theo người phát ngôn của Bộ VHTTDL, đối với việc xây dựng Nhà hát, quan điểm của Bộ VHTTDL đó là khi có thêm bất kỳ một thiết chế văn hóa nào thì đó là điều đáng mừng cho ngành. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch thuộc thẩm quyền của TP HCM.

Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm, dự kiến đầu tư 1.500 tỷ và có 1.700 chỗ ngồi, được thông qua ngày 8/10 đã tạo nên nhiều tranh cãi trái chiều.

Ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Thúy mà nhiều nghệ sĩ cũng lên tiếng đồng tình bênh vực việc xây nhà hát. Theo Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP HCM, có một số người lập luận về sự phung phí, lãng phí… khi nhà hát đi vào hoạt động nhưng đây là sự nhầm lẫn bởi đây là những giá trị văn hóa, không phải giá trị kinh doanh.

NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP HCM cho rằng dự án nhà hát là món nợ mà cấp lãnh đạo cần phải trả cho nền âm nhạc TP bởi chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng đã có hơn 20 năm trước. “Trách nhiệm của các lãnh đạo là làm thế nào để chứng minh cho người dân thấy mọi công tác xây dựng, quản lý và điều hành đều phải thật sự minh bạch, đúng tiến độ. Có như thế mới khiến người dân đồng tình, cảm thông và chia sẻ”, ông nói.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn (hậu duệ của KTS Ngô Viết Thụ Khôi Nguyên La Mã người thiết kế Dinh Độc lập) nhận định, tổng kinh phí dự trù hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP để làm nhà hát là số tiền không phải ít.

Theo KTS Nam Sơn, TP HCM đã quá nóng vội khi thông qua chủ trương đầu tư dự án công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch. KTS Ngô Viết Nam Sơn đặt câu hỏi về tính hiệu quả, mức độ cấp thiết của công trình... “Như tôi biết, TP đang gặp khó khăn trong nguồn vốn từ ngân sách. Trong khi đó, nhiều dự án dân sinh cấp thiết hàng đầu như xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, các dự án chống ngập đang thiếu vốn trầm trọng, chưa kể y tế, giáo dục… nhiều nơi còn thiếu, chưa đạt chuẩn", ông nêu vấn đề mà nhiều người cũng đang băn khoăn...

Đọc thêm