Sự to đẹp mà nó nằm trong tư duy bó hẹp thì cũng bị lãng quên. Và ở chúng ta nó đã bị lãng quên khi nhiều công trình xây xong thành nơi hoang lạnh, vắng bước chân công chúng ghé qua.
Điều đơn giản rằng, nhiều tiền không thể dựng xây được một không gian văn hóa, không gian văn hóa chính là sự tôn trọng đa phong cách, sáng tạo và không có “ý thức hệ” của sự bao cấp.
Dường như giới nghệ sĩ cảm thấy bị động chạm đến họ khi cộng đồng phản đối xây nhà hát. Họ là người biểu diễn và họ cần không gian sang trọng để trình diễn. Còn giới lãnh đạo thì khi một nhà hát tầm cỡ xuất hiện trong thành phố họ cảm thấy hãnh diện.
Cả hai đã lên tiếng cho rằng cần có một nhà hát phải mọc lên hôm nay. Họ không cần biết câu chuyện tương lai. Điều họ cần bây giờ là một khuôn mặt mới, trang trí lộng lẫy dù bên trong yếu đuối, sợ hãi, lo âu.
Và tư duy họ nghĩ rằng việc truyền thụ văn nghệ phải bắt đầu xây dựng một cái nhà hát to đẹp, đúng tiêu chuẩn. Vậy liệu điều đó có thành sự thật không? Vì nếu nó thành thì chúng ta đâu tiếc tiền tỷ.
Hằng ngày tôi đều đi làm qua bảo tàng Hà Nội, nó được ví là “kim tự tháp ngược”. Một kiến trúc được coi là “dị” và kỳ vọng sẽ thu hút được khách du lịch.
Địa thế đẹp, giao thông thuận lợi, nhưng đến bây giờ gần 10 năm, công trình hầu như không có ấn tượng gì với người dân thủ đô hay du khách. Sự bóng lộn, to đẹp, sạch sẽ bề ngoài không thể che dấu được sự trống rỗng bên trong của một “bảo tàng chết”.
Vắng khách, nhân viên ngồi ngáp dài, hiện vật đơn điệu, ít ỏi, nó không có sự lôi cuốn người xem hay điều gì đặc biệt, lý thú, độc đáo để người ta quay lại. Thỉnh thoảng ở đây tổ chức vài cuộc hội thảo, trao thưởng, các đoàn học sinh ghé vô theo chương trình tham quan.
Còn lại nó vẫn trống rỗng, hoang phí và vô cảm.
Quá nhiều công trình như thế ngốn hàng tỷ tiền dựng xây ở nước ta, xong rồi để đó như xây cho có. Những nhà quản lý không quan tâm việc tạo dựng không gian trong đó, tâm hồn trong đó, để lôi cuốn cộng chúng, để họ bước vào đó thấm nhuần được bài học từ lịch sử, khoa học hay văn nghệ.
Chúng ta sẽ đầu tư xây dựng một nhà hát vĩ đại, to đẹp - tôi nghĩ chúng ta làm được. Nhưng rồi sao? Có ai cam kết nó sẽ là biểu diễn thực thụ, nơi thưởng ngoạn tuyệt vời với công chúng, nơi mọi người sẽ học được nhiều điều, nơi trở thành một thắng cảnh cho những ai ghé chân Sài Gòn.?
Tất cả những điều đó chưa thật bàn tính kỹ càng, mà điều vội vàng, phải chăng là muốn lấy chuyện xây nhà hát để che dấu cho vấn đề giải ngân tài chính? Đó là cái cách khôn khéo mà nhiều địa phương đã làm để giữ nguồn vốn, có phần trăm trong đó.
Có nghĩa là họ được nhiều thứ để nói với dân chúng. Cái anh cần nhà hát tôi xây cho, còn việc hoạt động thế nào các anh tự lo lấy, truyền thụ văn nghệ, kinh doanh, quản lý, quảng bá… là chuyện “trên trời”, đến đâu hay đó.
Tư duy chộp giật đã khiến cho nhiều công trình tưởng như phục vụ cộng đồng trở nên hoang phế. Nhiều quảng trường, tượng đài, nhà thi đấu, cung văn hóa, xây xong không phục vụ. Năm thì mười họa mới hoạt động một lần. Ngắm nhìn nó dần xuống cấp theo năm tháng mà không khỏi đau xót cho ngân sách nhà nước.
Nghệ sĩ vốn mong manh, yếu đuối, nương nhờ, nên điều họ cần bây giờ là cần một chính sách phù hợp với tinh thần sáng tạo, như đối với nghệ sĩ hoạt động cần có chế độ hợp lý để họ yên tâm sáng tác, biểu diễn.
Đối với công chúng, cần nuôi dưỡng không gian và sự hấp thụ văn hóa từ nhỏ, từ trong trường học, môi trường sống, chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa”.
Văn nghệ không phải thứ ban tặng và nghệ sĩ hay công chúng họ không cần ai cho họ hay bắt họ làm theo định hướng, mà cho họ một chính sách hợp lý, không gian sáng tạo tôn trọng thì lúc đó chúng ta không cần trưng bày những thứ quá hào nhoáng hay vĩ đại mà tự lòng người đã thấu hiểu tinh thần.
Nói như nhà sử học Trần Quốc Vượng “bản chất của văn hóa, cũng như cuộc sống, là luôn sinh động và đa dạng”.