Những thông tin dồn dập khiến chúng ta suy nghĩ: Tại sao một kỳ họp như vậy HĐND lại không để tâm?
Lãnh đạo BV Nhi Đồng 1 cho biết: “Trung bình mỗi ngày có 350-450 trẻ nằm điều trị tại Khoa Hô hấp. Để giải quyết chỗ điều trị, hằng ngày luôn có khoảng 50-100 trẻ đã vào giai đoạn tương đối ổn định được chuyển sang điều trị tại các phòng khám hô hấp ngoại trú của BV. Do lượng bệnh nhi cao gấp mấy lần số giường nên có khi phải nằm ghép 2-4 trẻ/giường, nhất là vào các ngày cuối tuần, khi số bệnh nhi nội trú tăng cao nhất".
Sài Gòn mùa nước nỗi luôn là nỗi ám ảnh với cư dân đô thị. Triều cường tiếp tục dâng cao khiến đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) bị ngập, nhiều người đang chạy xe đã té nhào xuống đường.
Có đoạn ngập do đường gồ ghề, xuất hiện nhiều ổ gà to. Nhiều người phải dò dẫm từ từ và đi lại hết sức khó khăn. Ở nơi bị ngập sâu, các miệng hố bị che lấp, khiến nhiều người chạy xe máy té ngã. Các hộ dân sống dọc hai bên đường đã dùng vật dụng để cảnh báo người đi đường.
Những câu chuyện thời sự âu lo như vậy luôn thường xuyên xảy ra ở thành phố đông đúc và sôi động này. Người dân luôn mong mỏi có thêm bệnh viện để bệnh nhân không phải khổ ải khi nhập viện.
Người dân luôn mong những con đường ngập úng sẽ thoát úng nhanh, tiện cho việc đi lại, an toàn khi tham gia giao thông…
Người dân mong muốn thêm ngôi trường mới, những bữa ăn của học sinh sạch sẽ, an toàn.
Nhưng không, điều đó không được bàn luận trong Kỳ họp thứ Mười (kỳ họp bất thường) của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX vào sáng 8/10.
Kỳ họp này HĐND TP bàn chuyện xây nhà hát giao hưởng gây bức xúc dư luận
Hai vấn đề mà HĐND TP cho là “nóng” đó là: Cơ chế hỗ trợ thực hiện đề án chương trình sữa học đường và đề án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, có 1.700 chỗ.
Nguồn thu xây dựng nhà hát bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế này sẽ đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022.
Tổng kinh phí thực hiện đề án chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020 gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 350 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp gần 240 tỷ đồng. Cha mẹ, các học sinh đóng gần 548 tỷ đồng (50% kinh phí mua sữa).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: “Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố”.
Có thực sự đề án sữa học đường và một nhà hát giao hưởng, vũ kịch nó quá cấp thiết và là “vấn đề nóng” của Sài Gòn hôm nay?
Thực sự, nhìn vào đời sống đô thị Sài Gòn thì việc trẻ em uống sữa là chuyện quá bình thường, nó không có gì quá đặc biệt. Sữa bây giờ trở thành một thức uống bình dân, phổ thông mà bất cứ gia đình nào cũng có thể mua được.
Thậm chí nhiều gia đình không muốn cho con dùng sữa vì sợ bệnh béo phì.
Vũ kịch, giao hưởng, múa, nó không có gì quá xa lạ với những nền văn nghệ phát triển, nhưng thực sự với người dân Việt Nam nó quá “xa lạ”, và với nhiều người họ chưa đủ trình độ để thấu hiệu loại hình văn nghệ này.
Nên những buổi diễn bây giờ chỉ mang tính giao lưu văn hóa hay sự kiện lớn, có tài trợ, theo lời mời, vé mời… dành cho giới chuyên môn. Còn ai đó bỏ tiền ra làm show bán vé thì quả thực mạo hiểm, thách thức.
Đơn giản vì khi bạn không đủ khả năng thấu hiểu thì bước vào nhà hát đó làm gì. Ra phòng trà, nghe mấy bài bolero có vẻ hợp lý hơn.
Nói vậy, để hiểu rằng việc xây một nhà hát là việc của tương lai, nên làm, nhưng nó không phải vấn đề “nóng” hay những việc cần làm ngay.
Chúng ta đã nhìn thấy thực trạng là quá nhiều bảo tàng xây dựng rất tốn kém, nhưng lại ít du khách tham quan, gây lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước.
Việc làm ngay bây giờ của thành phố này là chống ngập úng, quá tải bệnh viện, trường học, sân chơi, công viên cho cộng đồng… Đó là thứ dân đang cần, đang quá nóng.
Những người được bầu là HĐND thì điều đầu tiền họ phải đại diện cho nguyện vọng của dân, quan sát, thấu hiểu…những điều gì dân cần và trình ra, tranh luận, nếu cấp thiết thì làm ngay cho dân, chứ không phải bày vẽ ra, rồi tự bấm nút, cho rằng đó là ý nguyện của dân.
HĐND là tiếng nói của dân, chứ không phải bắt dân nhận “món quà” mà họ không thích, không hứng thú. Sự ban ơn đó đôi khi phản tác dụng khiến lòng dân không phục.
Mới gần đây thôi, thay mặt chính quyền TP HCM, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng thành phố xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đồng thời xin lỗi người dân thành phố, nhất là những hộ ngoài quy hoạch Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm - tiếng kêu khóc, khiếu kiện của hộ dân còn đó, Thành phố đã thừa nhận sai. Vậy bây giờ việc sai sửa chưa xong lại đi xây nhà hát nơi đó. Một việc nhạy cảm như vậy mà HĐND quyết được thì không hợp đạo lý chút nào./.