Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Bất thường sau việc một liên danh bị “loại thầu”?

(PLO) - Bị Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) “loại” khỏi gói thầu “vật liệu bảo ôn, cách nhiệt”- Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, một nhà thầu có văn bản “kêu oan” và khẳng định mình có “tư cách hợp lệ” khi tham gia đấu thầu.
Phối cảnh Nhà Máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Phối cảnh Nhà Máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Đáng nói hơn, việc Chủ tịch HĐQT loại nhà thầu từ “vòng ngoài” trên đây đã mâu thuẫn với đề xuất của Tổng Giám đốc và còn đang bị cho là không đúng với hướng dẫn của Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Quan điểm khác nhau khi đánh giá “tư cách” của nhà thầu 

Ngày 28/10/2016, Chủ tịch HĐQT PVC Hồ Ngọc Thắng ký Quyết định “Phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) gói thầu “vật liệu bảo ôn, cách nhiệt”- Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (gói thầu). Theo đó, có hai nhà thầu đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật (tư cách) là Liên danh ENESCO-NAM AN và Liên danh Lilama 69-2- Lisemco-Lilama 5. Còn hai nhà thầu có HSĐXKT không đáp ứng yêu cầu là Liên danh PVEIC-TBĐST-TEMEX và Cty TNHH VINABLAST Việt Nam.

Quyết định này nêu rõ “xét đề nghị của Tổng Giám đốc Tổng Cty tại Tờ trình số 3652/TTr-XLĐK”. 

Nhưng đáng nói ở chỗ, Tờ trình nêu trên của Tổng Giám đốc PVC lại có nội dung phê duyệt 3 nhà thầu vượt qua yêu cầu kỹ thuật (theo đúng đánh giá của Tổ công tác đánh giá hồ sơ dự thầu), gồm cả Liên danh PVEIC-TBĐST-TEMEX  chứ không phải chỉ có 2 nhà thầu như Quyết định của Chủ tịch HĐQT.

Sau khi được yêu cầu rà soát lại kết quả đánh giá HSĐXKT gói thầu, Tổ công tác đã đối chiếu với các quy định và tiếp tục khẳng định Liên danh PVEIC-TBĐST-TEMEX đảm bảo tư cách hợp lệ khi tham gia đấu thầu. Chính vì vậy, Tổng Giám đốc PVC vẫn kiến nghị HĐQT giữ nguyên kết quả đánh giá có 3 nhà thầu vượt qua yêu cầu kỹ thuật.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT PVC vẫn kiên quyết “loại” Liên danh PVEIC-TBĐST-TEMEX (với lý do không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu) và yêu cầu tổ chức mở hồ sơ tài chính chỉ với hai nhà thầu là Liên danh ENESCO-NAM AN và Liên danh Lilama 69-2- Lisemco-Lilama 5.   

Có thể nói, việc Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc có nhận định khác nhau khi đánh giá yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu như trên là khá hy hữu. Đằng sau việc này liệu có gì bất thường hay không? Chỉ biết rằng, hiện nay, đại diện Liên danh PVEIC-TBĐST-TEMEX vẫn không “tâm phục, khẩu phục” với Quyết định của Chủ tịch HĐQT PVC và có nhiều văn bản đề nghị làm rõ việc mình bị “loại” một cách oan ức trong vụ việc này.

Ai là người vi phạm quy định về cạnh tranh?

Theo Tổng Cty Bảo dưỡng Sửa chữa Công trình Dầu khí (PVMR, tên cũ là PVEIC, thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đại diện liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX) thì việc họ tham gia dự thầu không hề vi phạm quy định về cạnh tranh trong đấu thầu.

Theo Văn bản số 6103/VPCP-KTN ngày 28/1/2016 của Văn phòng Chính phủ thì Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến “các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được tham gia đấu thầu thực hiện các dự án thuộc nghành nghề kinh doanh chính của PVN và của các công ty con khác trong tập đoàn theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP”. 

Trong một văn bản đầu năm 2016, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nêu rõ “công nghiệp điện” là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của PVN. Căn cứ vào hai văn bản trên, PVMR  khẳng định liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX hoàn toàn đảm bảo tư cách khi tham gia đấu thầu.

 Ngoài ra, để đảm bảo thận trọng khi xác định tư cách dự thầu của liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX, tháng 9/2016, PVC còn gửi  văn bản xin ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và được cơ quan này trả lời rằng, “Trường hợp trong Hợp đồng ký kết giữa PVN và Tổng thầu PVC không có điều khoản quy định về việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các phần công việc thuộc gói thầu EPC phải tuân thủ Luật đấu thầu thì PVC được quyền tự quyết định các nội dung về lựa chọn nhà thầu mà không nhất thiết phải thuân thủ quy định của Luật đấu thầu. Ngược lại, nếu Hợp đồng ký giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và tổng thầu PVC có điều khoản quy định việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các công việc cho gói thầu EPC phải tuân thủ Luật đấu thầu thì trong trường hợp này, PVC được coi như chủ đầu tư và nhà thầu tham dự thầu phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm cạnh tranh theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu và khoản 4 điều 2 Nghị định 63/20145/NĐ-CP”. 

Đối chiếu với hướng dẫn trên, PVMR càng khẳng định mình không vi phạm quy định về “bảo đảm cạnh tranh” trong đấu thầu vì tuy đều là thành viên trực thuộc PVN nhưng trường hợp này (chọn nhà thầu phụ thực hiện một phần công việc thuộc Hợp đồng EPC) thì PVC được coi là chủ đầu tư và PVMR là nhà thầu tham dự thầu. Như vậy, PVC và PVMR là hai pháp nhân độc lập với nhau về tài chính và pháp lý (vì không có vốn góp của nhau) thì không thể “cấm” PVMR dự gói thầu của PVC.

Bị Chủ tịch HĐQT PVC cho là vi phạm quy định về cạnh tranh, PVMP đã có văn bản phủ nhận quy kết này và nêu rõ liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX có đủ tư cách hợp lệ để dự thầu. Một khi càng có nhiều nhà đầu tư đủ tư cách tham gia đấu thầu thì sẽ càng làm tăng yếu tố cạnh tranh trong đấu thầu, dẫn đến tối ưu hóa chi phí trong đầu tư, lựa chọn được nhà thầu đáp ứng kỹ thuật và giá tốt nhất cho PVC và PVN.

Như vậy, không biết là đơn vị nào - liên danh PVEIC – TBDST – TEMEX hay HĐQT PVC mới không tuân thủ các quy định về cạnh tranh và luật đấu thầu trong vụ việc này? Sự việc đang chờ kết luận của PVN và cấp cao hơn là Bộ Công Thương. 

Đọc thêm