Dự án ODA: Vốn đối ứng giải ngân kiểu... “gọi là”

(PLO) - Đăng ký vốn lên tới trăm tỷ đồng/năm nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí có khi chưa tới 10% con số đăng ký... Thực tế này đã, đang diễn ra tại một số dự án giao thông sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản tại Hải Phòng.
Dự án Cảng quốc tế Lạch Huyện đã lấn biển, tạo mặt bằng được 1km2
Dự án Cảng quốc tế Lạch Huyện đã lấn biển, tạo mặt bằng được 1km2

Nợ đầm đìa

Thành phố cảng sẽ được hưởng lợi từ hai dự án lớn đó Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Theo đó, cả hai dự án đều thực hiện bằng nguồn vốn ODA; trong đó “siêu” cảng Lạch Huyện có tổng mức đầu tư lên tới hơn 18 ngàn tỷ đồng, với phần lớn vay từ Nhật Bản.

Theo đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án (PMU) Hàng hải, Cảng quốc tế Lạch Huyện có 4 gói thầu xây lắp chính, đến thời điểm này đã ký xong 2 Hiệp định vay vốn trị giá 32,9 tỷ Yên Nhật. Trong đó, Gói thầu số 6 (thi công đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ bờ, tôn tạo bãi, xử lý nền đất yếu và hạ tầng điện nước) do Liên danh nhà thầu Penta - Toa (Nhật Bản) thi công đã đạt hơn 84% khối lượng; các gói thầu còn lại đang và sẽ tiếp tục triển khai, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2019. Tuy nhiên, việc bố trí vốn đối ứng từ phía Việt Nam để thanh toán tiền thuế VAT và thuế nhập khẩu thiết bị cho các nhà thầu ngoại đang gặp nhiều khó khăn.

“Năm 2014, chúng tôi đăng ký vốn đối ứng lần đầu 313 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp 50 tỷ đồng;  lần 2 đăng ký 200 tỷ, chỉ  được cấp 80 tỷ. Năm ngoái, đăng ký lần đầu 500 tỷ thì được cấp 40 tỷ. Trong năm 2016, Ban đã đăng ký 500 tỷ đồng, nhưng tới giờ vẫn chưa được cấp đồng nào. Hiện chúng tôi đang nợ các nhà thầu hơn 140 tỷ đồng. Phía Nhật, họ làm ăn bài bản nên rất không hài lòng trước tình trạng nợ nần như thế. Vì thế, họ đã có thư đề nghị mình thanh toán, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ”, Phó Tổng Giám đốc PMU Hàng hải Nguyễn Ngọc Quang cho biết.

Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, có tổng mức đầu tư gần 12 ngàn tỷ đồng (vốn vay ODA 50 tỷ Yên, đối ứng 1.800 tỷ đồng). Theo đại diện chủ đầu tư - PMU 2, đến đầu tháng 3/2016, khối lượng liên danh nhà thầu thi công dự án đã triển khai đạt khoảng 4.874/7.632 tỷ đồng, tương ứng 64% giá trị hợp đồng (vượt 6,5% so với kế hoạch). Nhưng đến thời điểm này, các nhà thầu vẫn đang bị nợ đọng hơn 230 tỷ đồng thuế VAT và gần 18 tỷ đồng thuế nhập khẩu và VAT nhập khẩu.

Đại diện liên danh - Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhận Bản) từng có nhiều văn bản gửi PMU2 và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội để thông báo sự việc, đồng thời “bóng gió”  rằng tình trạng nợ nần nếu kéo dài thì không loại trừ trường hợp xảy ra việc kiện tụng.

“Phải fair play”!

“Riêng Sumitomo thi công đến nay đã đạt 72% tổng giá trị sản lượng. Cụ thể, đối với công trình chính đã đồng loạt thi công các hạng mục cọc khoan nhồi, đúc và lao lắp các đốt dầm SBS, thi công bệ và thân mố trụ cầu phía Hải An. Nhà thầu cũng đã tiến hành lắp đặt gối cầu và đã tiến hành đóng cọc ván thép phục vụ thi công trên bờ tại 76/86 vị trí...  Nhưng tình hình thu xếp vốn đối ứng thì đang hết sức khó khăn dù đại diện chủ đầu tư đã rất nỗ lực”, ông Murakata - Kỹ sư Khối lượng kợp đồng của nhà thầu Sumitomo Mitsui nói.

Xung quanh vấn đề trên, Trưởng phòng Quản lý dự án 3 (PMU2) Bùi Huy Kiểm thẳng thắn: “Mình làm cái gì cũng cần phải fair play (chơi đẹp - PV). Mình không thể cứ mãi yêu cầu người ta đẩy nhanh tiến độ thi công, trong khi không thanh toán đủ tiền cho người ta là không được”.

Thực tế, dù đang bị chủ đầu tư nợ hàng trăm tỷ nhưng liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco4 - Trường Sơn vẫn duy trì nhịp độ thi công trên công trường, với sản lượng ước 300 - 400 tỷ đồng/tháng. Tương tự, tại Dự án Cảng Lạch Huyện, công trường vẫn hối hả thi công.

Cụ thể, Gói thầu số 6 đã triển khai và đến nay đã lấn biển tạo mặt bằng được 1km2, hiện tại đang tiếp tục kè ngoài và lắp đặt các khối tetrapod...; riêng diện tích bãi container trên cảng dự kiến sẽ được PMU Hàng hải bàn giao đúng tiến độ… cho dù vốn đối ứng để thanh toán cho các nhà thầu vẫn  bế tắc. 

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận: “Đây là thực trạng chung đối với tất cả các Dự án ODA chứ không riêng một dự án nào. Do ngân sách của ta có khó khăn, chưa bố trí được nên vốn đối ứng trong năm 2015 dành cho các dự án giao thông chỉ đủ dùng trong vòng 1 quý (đến tháng 4/2015 giải ngân hết). Vì thế, chúng tôi đã phải đề nghị bổ sung thêm khoảng 7.000 tỷ đồng”.

Biết vậy, nhưng  đại diện chủ đầu tư - những người hàng ngày phải “giáp mặt”, và gần đây liên tiếp nhận thư đòi nợ của các nhà thầu ngoại, vẫn muốn chúng ta tôn trọng hợp đồng, và đặc biệt cần thực hiện nó theo tinh thần “fair play”.

Thiếu gần 300 tỷ tiền thuế VAT và thuế nhập khẩu 

“Vốn đối ứng để thanh toán thuế VAT và thuế nhập khẩu của chúng tôi đang chậm trễ, hiện đã lên tới con số gần 300 tỷ đồng. Chúng tôi đã có thư nêu rõ vấn đề này với đại diện chủ đầu tư, chủ đầu tư đã xác nhận tình hình và rất nỗ lực hỗ trợ chúng tôi nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn vốn để thanh toán cho những khoản này”, ông Murakata, Kỹ sư Khối lượng hợp đồng, Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui.

Đọc thêm