Tiền đâu đầu tư khi ODA thu hẹp dần?

(PLO) - Ghi nhận những thành tích Việt Nam đạt được trong 5 năm qua song Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa không khỏi băn khoăn: “Việt Nam lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới khi các nguồn vốn ưu đãi thu hẹp dần?”.
Toàn cảnh Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015
Toàn cảnh Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015
Sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân là khuyến nghị được các đối tác phát triển đưa ra tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 (VDPF 2015) vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.
Thách thức về nguồn tài chính
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ông Eric Sidgwick, trong những năm gần đây, Việt Nam đầu tư khoảng 9- 10% GDP vào các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, truyền thông, nước sạch và vệ sinh… ở mức rất 
cao theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhu cầu lớn về đầu tư cho cơ sở hạ tầng vượt xa khả năng ngân sách, trong khi đó, áp lực vay trong nước và nước ngoài đang bắt đầu đè nặng lên nợ công của Chính phủ. Báo cáo tại diễn đàn cho biết, thâm hụt dự kiến sẽ tăng từ 5,3% năm 2015 lên 6,5% GDP trong vài năm tiếp theo. Số lượng nợ công và nợ được bảo lãnh bởi Nhà nước dự đoán tăng từ 59,5% GDP năm 2014 lên 62,4% GDP năm 2015. 
Bên cạnh đó, các khoản vay ưu đãi ODA trong tương lai sẽ bị cắt giảm cùng với việc Việt Nam ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập thấp năm 2017 sẽ làm mất đi một nguồn vốn quan trọng. “Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới về nguồn tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng...”- Giám đốc Quốc gia ADB lưu ý.
Đặt câu hỏi về việc Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới, Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa phân tích: “Hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong khi đó, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%...”. 
Theo bà Kwakwa, tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.
Cần có cơ chế thu hút vốn tư nhân
Một trong 3 điểm yếu của nền kinh tế, theo báo cáo đề dẫn tại diễn đàn là sau 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn yếu và mong manh với 97% doanh nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Phó Đại sứ Australia, ông Layton Pike cũng lưu ý, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chậm được cải thiện trong khi nguồn lực phân bổ không hiệu quả, nhất là trong khu vực công. Đặc biệt, khu vực tư nhân bị đè nặng bởi gánh nặng quy định, sự khó tiên liệu và không nhất quán trong hệ thống pháp luật.
“Đầu tư nhà nước đôi khi rất quan trọng nhưng Chính phủ cũng nên thúc đẩy đầu tư tư nhân trong dịch vụ công để cải thiện chất lượng và tăng phạm vi cung cấp dịch vụ…” - Phó Đại sứ Australia khuyến cáo.
Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhanh hơn, Giám đốc quốc gia ADB đặc biệt lưu ý Việt Nam cần nâng cao vai trò của PPP. Theo ông Eric Sidgwick, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện một chương trình PPP đáng tin cậy, cần phải nâng cao sự hiểu biết của khu vực tư nhân và chia sẻ rủi ro có thể có giữa khu vực công và tư. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 
“Phát huy cao nhất nguồn lực trong nước”
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Trong bối cảnh tình hình mới đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp toàn diện và mang tính dài hạn để nâng cao tính độc lâp, tự chủ, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển bền vững…”.
Nhận thức những cơ hội, thách thức trong giai đoan phát triển tiếp theo, Thủ tướng khẳng định 4 quan điểm phát triển, trong đó để có nguồn lực, không có cách nào khác là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy cao nhất nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững. Tạo mọi điều kiện để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế…

Đọc thêm