Nhiều đại biểu (ĐB) cũng lo ngại về nợ công trong trường hợp dự án có rủi ro cũng như băn khoăn về năng lực thực hiện dự án của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Không để Dự án bị các nhóm lợi ích chi phối
Tại buổi thảo luận, đa số các ĐB đều đồng ý tầm quan trọng của dự án. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là công trình thế kỷ có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
“Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ĐB Nghĩa đánh giá và lưu ý nhưng nếu làm không tốt, dự án sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án “trùm màn, đắp chiếu” đang tồn tại.
ĐB Đoàn TP Hồ Chí Minh cũng tán thành chủ trương giao dự án cho các nhà đầu tư trong nước nhưng cho rằng phải có chính sách quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý nguồn vốn, nhất thiết đảm bảo các nguyên tắc khi thực hiện đầu tư dự án.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. |
“Pháp luật phải nghiêm minh, không để dự án bị các nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng dự án cần thực hiện nhanh nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, không loại trừ khả năng phải thuê, phải mua của nước ngoài về công nghệ, lực lượng thi công và giám sát dự án.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục. Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.
Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bạc Liêu) dẫn câu chuyện cách đây 25 năm, đường dây 500 kv được QH, Chính phủ và người đứng đầu là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định đầu tư đã đem lại đột phá trong tăng trưởng kinh tế - xã hội, giúp chúng ta hoàn toàn làm chủ công nghệ truyền dẫn.
Cũng theo ĐB Hồng, nếu giao dự án cho một doanh nghiệp trong nước thì sẽ có một tương lai, có một ngành công nghiệp hàng không đột phá trong giai đoạn sắp tới.
Phát biểu giải trình các vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2.
“Những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp. Riêng sân bay Long Thành vừa xong sẽ đảm bảo lượng khách thông quan tới 25 triệu khách/năm. Đến năm 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao”, Bộ trưởng Thể thông tin.
Bộ trưởng GTVT nói về năng lực ACV
Liên quan đến năng lực của ACV, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nhất trí dùng vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước kết hợp với xã hội hoá dưới hình thức công tư. Tuy nhiên, ông nêu hiện chỉ có 8 trong 21 sân bay nội địa thu đủ chi và có lãi, tức là 13 sân bay còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần.
Do đó, theo ông, tờ trình Chính phủ nói, chỉ ACV đủ năng lực huy động thực hiện là chưa chính xác. Đồng thời, ông đề nghị làm rõ việc huy động vốn 11 tỷ USD để làm sân bay Long Thành giai đoạn tiếp theo. “Nếu không thu xếp được, việc triển khai có thể chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành. |
Nhiều ĐB khác cũng không đồng tình việc Chính phủ đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư 3 trong 4 hạng mục chính. ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nghi ngờ về nhận định, ACV là doanh nghiệp nổi trội với các hạng mục như hai tuyến đường kết nối sân bay và các dịch vụ hàng không để được chỉ định thầu.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, giao ACV tiết kiệm được 1,5 năm đấu thầu, “nhưng chưa chắc rút ngắn toàn bộ quá trình đầu tư “. Nếu tư nhân đầu tư thì sẽ không mất khoảng thời gian này đấu thầu các hạng mục nhỏ.
Đồng thời, ông Cường thấy “chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm”. Theo ông có nhiều dự án và tư nhân chưa có kinh nghiệm vẫn thành công, điển hình là sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Hơn nữa, ông Cường nhấn mạnh, giao ACV chưa chắc là phương án huy động vốn tốt nhất, vì đơn vị này chỉ đảm bảo được 1/3, còn 2/3 phải đi vay.
“Nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng nếu xảy ra rủi ro thì vẫn phải gánh chịu bởi đây là một doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực vốn lớn luôn luôn sẵn sàng”, ông Cường phát biểu.
Trả lời các băn khoăn của ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, hiện doanh nghiệp này có khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Kế hoạch từ nay đến năm 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.
“Hiệu quả kinh tế của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất cao. Các tổ chức nước ngoài hoàn toàn yên tâm hỗ trợ ACV”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh đồng thời cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của ĐB, chúng ta huy động nguồn lực trong nước trước. Khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Phải nhanh chóng chọn được nhà đầu tư để họ có phương án khởi công, xây dựng công trình vào năm 2021: “Chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ, cố gắng huy động các nguồn lực trong nước sau đó mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài để làm sao hiệu quả xã hội cho đất nước tốt nhất”, ông Thể nói.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Mai Sỹ Diến bày tỏ lo lắng về tiến độ cho dự án sẽ làm tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Bởi sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt thì tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý: “Qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khả thi”.
Theo Báo cáo thẩm tra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, nhưng đến tháng 8/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%).
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ thu hồi đất khó bảo đảm. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.