Dự án “siêu rùa” tại VNPT "phá sản" vì công nghệ lạc hậu

 Câu chuyện một dự án đầu tư quan trọng mang tính chiến lược quốc gia chậm tiến độ tới 10 năm rồi đến mức bị “phế bỏ” để lại nhiều dư vị chua chát.

Ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị ngừng Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của tập đoàn VNPT, sử dụng gần 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA của Nhật Bản, triển khai từ năm 2003 nhưng không thực hiện được. Câu chuyện một dự án đầu tư quan trọng mang tính chiến lược quốc gia chậm tiến độ tới 10 năm rồi đến mức bị “phế bỏ” để lại nhiều dư vị chua chát.

Chọn “nhầm” dịch vụ tư vấn

Dự án cáp quang biển Bắc Nam do VNPT làm chủ đầu tư, được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) phê duyệt theo quyết định số 1023/QĐ-BBCVT ngày 26/11/2003. Quy mô dự án bao gồm việc triển khai một hệ thống truyền dẫn cáp quang 8 sợi sử dụng cấu hình hoa cung, công nghệ WDM, chạy dọc bờ biển Việt Nam với chiều dài 2034 km kéo dài từ Hải Phòng tới Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Dung lượng ban đầu dự kiến của tuyến cáp là 60Gbps, có 11 điểm cập bờ và 197km cáp quang trên đất liền để kết nối với các tuyến cáp quang trên bờ.

Sau khi dự án được phê duyệt vào tháng 11/2003, ngày 04/11/2004, Bộ Bưu chính Viễn thông đã có quyết định số 890/QĐ-BBCVT về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu số 2 “Dịch vụ tư vấn” của dự án cáp quang biển Bắc – Nam. Ngày 22/11/2004, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là VNPT) đã có quyết định số 491/QĐ-KHNT-HĐQT về việc phê duyệt kết quả đàm phán hợp đồng tư vấn. Ngày 24/11/2004, Ban QLDA cáp quang biển Bắc – Nam đã ký kết hợp đồng thương mại cung cấp dịch vụ tư vấn gói thầu số 2 “Dịch vụ tư vấn” với liên danh nhà thầu JTEC/KEC của Nhật Bản.

Việc chỉ có 1 liên danh JTEC/KEC tham gia làm nhà thầu tư vấn cho dự án cáp quang biển Bắc Nam cũng đã làm hạn chế việc lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt của chủ đầu tư. Hồ sơ mời thầu tư vấn bị cho là không có tiêu chuẩn đánh giá chi tiết để sàng lọc nhà thầu đủ năng lực, không nêu rõ số lượng và kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn.

Nguồn tin cho hay, theo biên bản xét thầu thì JTEC chưa từng thực hiện một dự án cáp quang biển nào;  KEC cũng mới chỉ thực hiện 2 dự án cáp quang biển cỡ nhỏ (trị giá 8 triệu Yen và 18 triệu Yen), chưa bằng 2% trị giá của dự án cáp quang biển Bắc Nam của Việt Nam (1.317 tỷ Yen). Cá nhân tư vấn trưởng dự án chưa từng đảm nhận chức danh tư vấn trưởng (hoặc chức danh tương tự) của một dự án cáp quang biển nào. Tuy vậy, vì ba-rem không đỏi hòi cao nên tổng các điểm chấm vẫn đạt 87,57/100 điểm và liên danh này được kết luận là đạt về năng lực, kinh nghiệm.

Gần chục năm, chưa xác định được việc phải làm

Do năng lực và kinh nghiệm tư vấn hạn chế, nên tính đến thời điểm cuối năm 2007, vẫn tồn tại nhiều vướng mắc và bất đồng trong quá trình triển khai, nghiệm thu giữa nhà thầu JTEC/KEC và Ban QLDA cáp quang biển Bắc –Nam. Đây là nguyên nhân chính khiến quá trình lập hồ sơ mời thầu cho gói thầu thi công chính bị chậm trễ, kéo dài tới 3 năm, đến tháng 12/2007 mới phê duyệt được Hồ sơ mời thầu, tháng 01/2008 phát hành hồ sơ mời thầu.

Cho đến khi dự án bị ngừng triển khai vào năm 2013, nhà tư vấn JTEC và  Ban QLDA vẫn chưa thống nhất được nội dung thiết kế thi công (CDR), giám sát thi công, giám sát tác giả gồm những công việc gì và giá trị cụ thể cho từng công việc.

Phá sản vì công nghệ lạc hậu

Với một lĩnh vực có sự phát triển nhanh như viễn thông, thì khoảng thời gian 3-5 năm đã đủ để thay mới một thế hệ công nghệ hiện đại hơn. Chính vì vậy, yêu cầu kỹ thuật ban đầu cho tuyến cáp quang 8 sợi dung lượng 60Gbps không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu (lên thành cáp quang 24 sợi, dung lượng 320Gbps), dẫn đến cả một quy trình phải làm lại, và khiến cho tổng mức đầu tư của dự án đã bị đội lên cao hơn mức ban đầu khá nhiều (lên tới 3.494 tỷ đồng), chủ yếu do biến động về tỷ giá.

Đến thời điểm năm 2013, do dự án được duyệt từ 10 năm trước nên hiệu quả đầu tư của dự án đã thay đổi rất nhiều, từ công nghệ sử dụng, hiệu quả thực tiễn, môi trường đầu tư, đối tác... Đặc biệt, đối với dự án về viễn thông và công nghệ thông tin, vốn là lĩnh vực có sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, nên tính hiệu quả, khả năng hoàn vốn và hiệu quả đầu tư chung đã giảm đi rất nhiều.

Trong khi đó, các hệ thống cáp quang trên đất liền của VNPT đã phát triển nhiều hơn và đảm bảo được hạ tầng thông tin theo trục Bắc Nam, nên vai trò tăng cường năng lực hạ tầng của dự án cáp quang biển Bắc – Nam không còn nhiều giá trị.

Chính vì thế, ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị ngừng Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của VNPT.

Sau 10 năm triển khai, dự án đã tiêu tốn hơn 130 tỷ đồng cho các chi phí triển khai, thiết kế khảo sát, thuê nhà thầu tư vấn, xây dựng nhà trạm cho các điểm cập bờ… nhưng chưa biết sẽ thanh toán vốn vay bằng cách nào, vì dự án đã ngừng nên không thể sử dụng nguồn vốn ODA để trả.

Yên Ly

Đọc thêm