Dự án “thoát lỗ” sáng nhất của ngành Công Thương: Vẫn… nằm im

(PLO) - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi đại biểu Quốc hội, nhận trách nhiệm và cho biết tiến trình xử lý 12 dự án thua lỗ. 
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước - “cửa sáng nhất” thoát lỗ vẫn đang chờ… hồi sinh
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước - “cửa sáng nhất” thoát lỗ vẫn đang chờ… hồi sinh

Cam kết không dùng tiền ngân sách để cứu dự án thua lỗ

Theo văn bản của Bộ Công Thương, đối với các dự án do các tập đoàn, TCty 100% vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp, Bộ có trách nhiệm ở 2 vai trò: đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý ngành. 

Đối với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu, Bộ Công Thương có trách nhiệm gián tiếp đối với hiệu quả của các dự án thông qua vai trò là cơ quan thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư, hoặc tham mưu để Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án. Đối với các dự án do các đơn vị thành viên của tập đoàn, TCty hoặc có cổ phần vốn góp của các tập đoàn, TCty thì Bộ có trách nhiệm chính trong vai trò quản lý ngành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ngành cũng như thực hiện vai trò thẩm định thiết kế cơ sở.

Đối với các Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương đang tiếp tục khẩn trương báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định về hướng xử lý dứt điểm các dự án này.

Theo đó, các phương án đề xuất với Chính phủ sẽ được thực hiện trên nguyên tắc: Không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để xử lý tồn đọng của Dự án; Bảo toàn tài sản của Nhà nước ở mức cao nhất, giảm thiểu thiệt hại cho ngân sách cũng như cho tổng thể Dự án. 

Đối với từng dự án sẽ có hướng đề xuất, xử lý cụ thể, trong đó có thể xử lý theo hướng kêu gọi hợp tác với các đối tác khác để cùng sản xuất đối với các dự án còn khả năng về sản xuất và về thị trường, hoặc có thể tính tới việc bán lại dự án cho các nhà đầu tư khác, thậm chí có thể cho dừng dự án, tuyên bố phá sản. Điều quan trọng nhất là bảo đảm công khai, rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

“Cửa thoát lỗ” cho dự án “sáng nhất” vẫn… đóng

Trước đó, Bộ Công Thương đã có cuộc họp thống nhất về việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành. Theo đó, bên cạnh việc giao cho các tập đoàn, TCty phải tự chủ động “cứu” mình, Bộ đã chỉ đạo phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp. Với một số dự án ưu tiên hồi sinh, Bộ Công Thương đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị có trách nhiệm. 

Trong việc xử lý các dự án thua lỗ, “cửa sáng” nhất thuộc về các dự án nhà máy nhiên liệu sinh học do TCty dầu Việt Nam (PV Oil) làm chủ đầu tư, trong đó “sáng nhất” là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước. Trước khi, có đề án thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV Oil đã khẳng định với Báo PLVN: “Chắc chắn quý I/2018 có sản phẩm”. Ông Dương cũng cho biết, cổ đông lớn nhất, Công ty Toyo Thai New Energy LTE. LTD đã đồng ý tái khởi động dự án.

Ông Dương cũng cho biết, vấn đề lớn nhất đối với nhà máy Bình Phước chỉ là thời gian; liên quan đến các kỹ thuật xử lý, vận hành lại nhà máy vì đã đình trệ quá lâu. Ông Dương khẳng định, trong quý 1/2018 Nhà máy Bình Phước sẽ đi vào sản xuất. Do đó, cũng trong quý 1, mẻ sản phẩm đầu tiên của Bình Phước sẽ ra thị trường, sẵn sàng cung cấp ethanol cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu tiến hành phối trộn xăng E5.

Ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cũng khẳng định, các phương án kỹ thuật của Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước và Dung Quất đã được lên chi tiết. Vấn đề lớn nhất hiện nay đối với 2 nhà máy này là việc vận hành kỹ thuật sao cho phù hợp với cách thức mà Nhà máy Tùng Tâm đang vận hành (không có nước thải). Ngoài ra, theo ông Thái, 2 nhà máy này cũng  cần có cơ chế đặc thù của Chính phủ để có thể vận hành trở lại, đảm bảo góp phần thực hiện thành công lộ trình sử dụng xăng sinh học của Chính phủ. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước vẫn “nằm im”. Lý do được ông Dương đưa ra là có nhiều vấn đề phát sinh cần phải xử lý, dẫn đến làm chậm tiến độ “hồi sinh” Nhà máy Bình Phước. Tính đến hết tháng 4/2018, mới tiến hành được khoảng 30% phần việc bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy. Dự kiến đến hết tháng 5/2018 sẽ hoàn thành việc bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy để sẵn sàng đi vào vận hành lại.

Còn ông Thái cho biết, một trong những nguyên nhân khiến Nhà máy Bình Phước chậm tiến độ là do giá nguyên liệu đầu vào đang cao quá (tăng 2.000 đồng so với trước đây), nếu tiếp tục sản xuất ethanol thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ 1.000 đồng/lít nên đành “nằm im, chờ thị trường nguyên liệu xuống thấp hơn”. Không biết đến khi nào thị trường sắn mới xuống, để Nhà máy Bình Phước có thể… chạy? 

Đọc thêm