Dự án thuỷ điện và khai thác khoáng sản “ăn” rừng phòng hộ?

(PLO) - So với các loại rừng khác, rừng phòng hộ có ý nghĩa đặc biệt trong việc giữ đất, giữ nước, hạn chế xói mòn, thiên tai, điều hòa khí hậu và bảo vệ các nguồn gen động, thực vật cũng như cảnh quan môi trường...song thực tế cho thấy rừng phòng hộ đang trong thực trạng suy giảm, mất mát nghiêm trọng. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tại hội thảo “Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường” tổ chức hôm qua, 7/12, bà Nguyễn Thị Hải Vân (Trung tâm con người và thiên nhiên) cho biết, rừng phòng hộ ở nước ta có các loại: rừng đầu nguồn, rừng chắn sóng, chắn cát, rừng điều hòa sinh thái nhưng rừng đầu nguồn chiếm tới 93,23% có tác dụng ngăn lũ, giảm lũ, chống xói mòn, chống bồi lắng lòng sông suối…đã bị tàn phá, xâm hại nặng nề.

Kết quả đánh giá nhiều năm cho thấy, dù tổng diện tích rừng của Việt Nam tăng thuần từ 12,3% triệu ha năm 2014 lên 14 triệu ha vào năm 2015, nhưng rừng phòng hộ lại đang mất dần 2% mỗi năm.

“Tình trạng rừng đầu nguồn bị tàn phá không còn mang tính cục bộ mà xảy ra nhiều điểm nóng phá rừng tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ….”- Bà Vân khẳng định.

Hiện Việt Nam có 4.537.852ha là rừng phòng hộ, chiếm 32% diện tích rừng Việt Nam. So với rừng đặc dụng và rừng sản xuất thì rừng phòng hộ là đối tượng bị xâm hại, suy giảm nghiêm trọng nhất cả về diện tích lẫn chất lượng. Trong 10 năm (2004- 2014) diện tích rừng phòng hộ Việt Nam đã giảm tới 1,7 triệu ha, tương đương tốc độ suy giảm trung bình là 2,3%/năm. Trong đó, rừng tự nhiên bị mất chiếm tới 1,43 triệu ha, chiếm 84,1%. Rừng thay đổi nhanh tới mức 59 ban quản lý rừng đặc dụng phải trải qua 118 lần thay đổi diện tích giảm rừng..

 Nguyên nhân được chỉ ra là do phá rừng trái phép, bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo điều tra, trong tổng số 47.368ha rừng phòng hộ bị chuyển đổi thì gần 50% là dành đất cho mục đích xây dựng thuỷ điện và khai khoáng. Một nguyên nhân không nhỏ khác là nhu cầu đất sản xuất ở địa phương…khiến một phần diện tích rừng phòng hộ bị thu hẹp lại để bổ sung quỹ đất cho địa phương. Còn 1.288.725 ha đất rừng phòng hộ chưa có chủ đang giao cho UBND xã tạm quản lý. Trong chính sách quản lý vẫn cho phép khai thác gỗ trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. 

“So sánh với 2 loại rừng còn lại của Việt Nam là rừng đặc dụng và rừng sản xuất, nếu như rừng đặc dụng chỉ tập trung toàn bộ cho mục tiêu bảo tồn lâu dài, rừng sản xuất hướng tới mục tiêu sử dụng tài nguyên và khai thác gỗ, đem lại lợi ích kinh tế thì rừng phòng hộ mang tính đa mục đích hơn. Nhưng hiện nay lại đang bị xem nhẹ hơn mục tiêu, mục đích về kinh tế. Đây là tư duy cần thay đổi trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, vai trò về phòng hộ và đảm bảo an ninh môi trường vô cùng quan trọng” – bà Vân nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ Quản lý Rừng đặc dụng và Rừng phòng hộ, nguyên nhân một phần nữa là do lực lượng quản lý rừng còn mỏng.Ông Hưng cho biết, theo đề án mà Bộ NN-PTNT đề ra trong thời gian tới sẽ thành lập lực lượng kiểm lâm tại rừng phòng hộ. Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020 sẽ phải đạt khoảng 5,68 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó 5,28 triệu ha là rừng phòng hộ đầu nguồn. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng khó đạt được mục tiêu trên nếu không có những giải pháp quyết liệt bảo vệ rừng phòng hộ. 

Đọc thêm