Dự án "xuyên Á trên sông Hồng": Để tận thu thủy điện, khoáng sản?

(PLO) - Chủ đầu tư Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện là Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình với thế mạnh và kinh nghiệm về lĩnh vực thủy điện, khoáng sản hơn là lĩnh vực giao thông. Nguồn thu chính của dự án này khi hoàn thành là từ bán điện, còn phí luồng tuyến giao thông, khai thác cảng chỉ là nguồn thu phụ.
Dự án "xuyên Á trên sông Hồng": Để tận thu thủy điện, khoáng sản?

Câu hỏi đặt ra, chủ đầu tư bỏ ra hơn 24 nghìn tỷ đồng để thực hiện dự án giao thông thủy xuyên Á là vì mục đích phát triển giao thông hay vì lợi nhuận từ khai thác thủy điện, bến cảng, khoáng sản ven bờ sông Hồng?

Vốn 1.200 tỷ đầu tư đại dự án 24.510 tỷ đồng

Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt. Dự án đi qua 4 tỉnh thành là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Nội; trải dài trên 288km. Khoảng 31 xã ở Lào Cai, Yên Bái bị ảnh hưởng trực tiếp do các công trình đập dâng nước, âu tàu và thủy điện.

Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy trên sông Hồng, thông suốt đoạn Hà Nội – Lào Cai. Theo hồ sơ dự án, chủ đầu tư không nói đến quy mô, năng lực vận tải của tuyến luồng giao thông mà chú trọng vào việc giới thiệu quy mô xây dựng thủy điện, cảng.

Theo đó, sẽ xây 6 đập dâng nước và âu tàu, kết hợp xây 6 nhà máy thủy điện ở những đập này; tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp điện lượng khoảng 912 triệu kwh/năm. Dự án điện này nằm ngoài quy hoạch điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngoài ra, dọc tuyến sông sẽ xây dựng 7 cảng là Cảng Phố Mới, A Patit, Quý Xa (Lào Cai); Văn Phú (Yên Bái); Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ); cảng Phía Bắc (Hà Nội). Dự kiến đến năm 2021 hoàn thành dự án.

Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 24.510 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558,1 tỷ đồng… Cơ cấu vốn được thực hiện theo phương thức 30% sở hữu chủ đầu tư, 70% vốn vay thương mại (vay nội tệ với lãi suất khoảng 9%/năm, vay ngoại tệ lãi suất 4%/năm).

Như vậy, chủ đầu tư phải tự có khoản vốn là 7.353 tỷ đồng. Trong khi đó, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 25/5/2015, vốn điều lệ của Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình chỉ là 1.200 tỷ đồng. Về lý thuyết, Cty này không đủ năng lực thực hiện đại dự án trên.

Trước việc chủ đầu tư có vốn điều lệ quá ít so với tổng mức đầu tư, Bộ Tài chính đã yêu cầu công ty này chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị chủ đầu tư trình phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, bảo đảm đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án.

Xây giao thông vì mục đích thủy điện, khoáng sản?

Hồ sơ dự án thể hiện, nguồn thu chính là từ bán điện; còn phí luồng tuyến, khai thác cảng chỉ là nguồn thu phụ. Do đó, chủ đầu tư đề xuất được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí. Theo đó, trong 5 năm đầu, điện được bán với giá 1.900 đồng/kwh; 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng/kwh; các năm tiếp theo tối thiểu từ 2.970 – 3.560 đồng/kwh.

Đây là đòi hỏi vô lí của doanh nghiệp vì mức bán điện này là cao so với mức hiện tại của ngành điện, đồng thời đi ngược với xu hướng giá thành điện ngày càng giảm. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn từ 2020 đến 2030, cơ cấu ngành điện thay đổi theo hướng nguồn thủy điện giảm dần, các nguồn điện than và điện tái tạo tăng lên.

Đặc biệt, theo chủ trương chung của Chính phủ, giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường cạnh tranh, ưu tiên nguồn điện giá rẻ. Như vậy, việc doanh nghiệp đề xuất Nhà nước cho bán giá điện đặc thù ở mức cao là không phù hợp.

Nếu thực hiện theo đề xuất trên của doanh nghiệp, mỗi năm doanh nghiệp cung cấp điện khoảng 912 triệu kwh, với giá bán điện 1.900 đồng/kwh thì đã thu về hơn 1.700 tỷ đồng/năm. Chủ đầu tư tính toán thời gian hoàn vốn là 19 năm (trừ thời gian xây dựng). Như vậy nếu bán điện ở mức tối thiểu là 1.900 đồng/kwh thì trong 19 năm, riêng từ tiền bán điện, doanh nghiệp đã thu về gần 33 nghìn tỷ (cao hơn 9 nghìn tỷ so với tổng mức đầu tư toàn dự án là 24.510 tỷ đồng). Nếu tính cả các khoản từ thu phí luồng tuyến giao thông, bến cảng, tận thu khoáng sản thì doanh nghiệp thu về con số lợi nhuận khổng lồ.

Ngoài ra chủ đầu tư còn đề xuất miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn. Những “đòi hỏi” này của doanh nghiệp được Bộ Tài Chính đánh giá là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện dự án, các hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch, xây dựng hệ thống cảng, đập thủy điện có liên quan đến việc thu hồi khoáng sản, tạo thêm nguồn thu không hề nhỏ cho doanh nghiệp. Dư luận cũng lo lắng các “vựa” khoáng sản quanh sông Hồng sẽ bị tận thu, khai thác triệt để.

Dự án được thực hiện theo hình thức BOO, nhưng trong hồ sơ dự án, chủ đầu tư không nhắc đến thời hạn kinh doanh. Dư luận không khỏi lo lắng đặt câu hỏi, liệu sông Hồng có bị “bán” vĩnh viễn cho doanh nghiệp khai thác? Người dân sinh sống ở hai bên bờ sông có được quyền đánh bắt, khai thác thủy sản như bình thường? Nhằm làm rõ hơn những nội dung liên quan đến dự án, phóng viên PLVN đã liên hệ với chủ đầu tư, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về dự án. 

Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình là Cty con thuộc Cty CP Tập đoàn ThaiGroup (tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành). Đây là tập đoàn kinh tế đa ngành, nhưng lĩnh vực chủ chốt là quản lý, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như cảng nước sâu, thủy điện, khoáng sản, xi măng.

Do đó, việc công ty này muốn đầu tư xây dựng giao thông đường thủy trên sông Hồng được cho rằng với mục đích chính là khai thác thủy điện, khoáng sản, bến cảng hơn là vì mục đích phát triển giao thông.

Nếu dự án được thực hiện có thể sẽ tác động tiêu cực lớn đến môi trường, đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến “vựa” lúa khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng ở vùng hạ lưu.

Đọc thêm