Văn Giang, Hưng Yên: Tan nát bãi cát sông Hồng

(PLO) - Chính quyền làm ngơ cho doanh nghiệp khai thác cát trái phép, trưởng thôn phản đối liền bị hành hung, đau xót hơn là cái chết thương tâm của 2 em nhỏ do rơi xuống hố cát đang khai thác… Đó là hệ lụy của việc buông lỏng quản lý ở xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang.
Văn Giang, Hưng Yên: Tan nát bãi cát sông Hồng

Chính quyền loay hoay

Mặc dù không có thẩm quyền nhưng nhưng nhiều năm nay một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn vẫn được chính quyền xã Thắng Lợi “cấp phép khai thác khoáng sản” ở bãi bồi ven sông Hồng.

Hậu quả là một bãi bồi rộng lớn đã biến mất, kéo theo đó xảy ra nhiều vụ đuối nước tại các hố cát đang khai thác và kết cục đau lòng là 2 trẻ nhỏ đã thiệt mạng. Mới đây, chỉ vì ngăn cản hành vi khai thác cát trái phép nên ông Nguyễn Đức Tú (Trưởng thôn Xâm Hồng) còn bị nhiều đối tượng lao vào hành hung.

Trao đổi với PV, ông Tú cho biết: “Vào khoảng 11 giờ ngày 16/02/2016 (mùng 9 Tết Bính Thân), tôi nhận được tin báo ông Trần Đức Tấn (chủ doanh nghiệp khai thác cát - PV) đang cho người khai thác cát trái phép. Chạy vội tới hiện trường, tôi thấy máy xúc và công nông của ông Tấn đang vận chuyển cát từ dưới ven sông lên bãi tập kết.

Tôi có nhắc nhở ông Tấn dừng ngay việc khai thác trái phép lại liền bị ông này hô hoán tôi cướp xe công nông. Tiếp đến có một nhóm người dùng cuốc, xẻng, gậy gộc lao vào tấn công tôi. Rất may mắn, người dân trong thôn đã nhanh chóng có mặt kịp thời giải vây cho tôi và bảo vệ hiện trường.

Vụ việc được báo cáo lên công an xã Thắng Lợi, phía công an xã đã cử người xuống hiện trường tiến hành lập biên bản dưới sự chứng kiến của người dân trong thôn Xâm Hồng. Đến nay, sự việc vẫn chưa được Công an huyện Văn Giang có câu trả lời”.

Ông Nguyễn Đức Tú (Trưởng thôn Xâm Hồng)
Ông Nguyễn Đức Tú (Trưởng thôn Xâm Hồng)


Theo ông Tú, khu vực khai thác cát của ông Tấn đã hết hạn vào ngày 31/11/2015, nhưng ông Tấn vẫn tiếp tục khai thác trái phép nhưng không hề có bất kỳ sự can thiệp nào của chính quyền địa phương. Chính vì lo sợ nguồn tài nguyên bị mất dần và ảnh hưởng sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng, người dân thôn Xâm Hồng phải dựng chòi rồi cắt cử người ra bảo vệ hiện trường. Bằng hành động quyết liệt của người dân, kể từ ngày 16/2 đến nay hiện tượng khai thác cát của ông Tấn mới tạm ngưng lại nhưng các cơ quan chức năng ở đây thì vẫn loay hoay không biết xử lý như thế nào.

Trong hàng loạt lá đơn kiến nghị của người thôn Xâm Hồng, trước đây bãi bồi có chiều dài khoảng 1km nhưng đến nay, chiều dài của bãi bồi này đã bị thu hẹp còn khoảng vài trăm mét. Bỏ mặc những tác động tiêu cực đến môi trường, dòng chảy sông Hồng và đời sống của người dân nơi đây, năm 2013, UBND tỉnh Hưng Yên lại tiếp tục cấp phép cho một doanh nghiệp khác khai thác cát dưới lòng sông.

Theo những tài liệu mà Phóng viên thu thập được, ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Hưng yên đã cấp giấy phép số 2769/GP-UBND cho Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản Hưng Yên được phép khai thác cát tại mỏ cát xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang với thời hạn 5 năm. Do quá bức xúc với tình trạng sạt lở trước đó, hàng trăm người dân thôn Xâm Hồng đã ra ngăn cản hoạt động nạo vét của tàu thuyền thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản Hưng Yên, sau đó tiếp túc gửi đơn kiến nghị lên Trung ương, buộc hoạt động khai thác của Công ty này phải tạm dừng hoạt động.

Bà Trần Thị Nương (Chi hội trưởng phụ nữ thôn Xâm Hồng) lo ngại cho biết: “Khi cấp phép khai thác cát, chính quyền các cấp không hề lấy ý kiến của người dân. Hiện nay, nhiều nhà dân cách mép nước của sông Hồng chỉ từ 80-100m, nếu hoạt động nạo vét, hút cát tiếp tục diễn ra thì nguy cơ sạt lở, mất hết ruộng nương rồi đến nơi cư trú của chúng tôi là không xa”.

Cái chết oan uổng của 2 đứa trẻ

Đứng từ trên khu vực chờ của bến đò ngang, chúng tôi được người dân địa phương cho biết, trước đây cả hai bên đường xuống bến đò đều là hai bãi bồi rất lớn. Nhưng từ khi UBND xã cấp cho các doanh nghiệp khai thác đất thì bãi bồi ngày xưa giờ đã nằm sâu dưới dòng chảy của sông Hồng.

Người dân thôn Xâm Hồng chưa có một con số cụ thể về thiệt hại kinh tế do sạt lở sông Hồng mang lại, nhưng thiệt hại về người thì đã rõ mười mươi: 5 trường hợp bị đuối nước, 2 cháu bé bị bỏ mạng. Nguyên nhân là do rơi vào hố cát đang khai thác. Khu vực có những đứa trẻ chết đuối là cạnh sân vui chơi thể thao của xã Thắng Lợi, trước cách bờ sông cả trăm mét, nay thì nằm cạnh những hố sâu, vực thẳm – hậu quả từ việc khai thác cát để lại.

Bãi bồi rộng lớn ở thôn Xâm Hồng bị khai thác tràn lan
Bãi bồi rộng lớn ở thôn Xâm Hồng bị khai thác tràn lan


Thời gian trôi qua đã gần 2 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại cái chết đau lòng của đứa con trai mới lên 6 tuổi, hai vợ chồng anh Triệu Văn Lựa (SN 1969) và chị Cao Thị Hạnh (SN 1975, đều trú tại thôn Xâm Hồng) vẫn đầy đau khổ. Chiêu chén trà đặc, anh Lựa cho biết: “Vợ chồng tôi lận đận đường con cái, cháu đầu tiên sinh ra không may bị câm điếc bẩm sinh, cháu thứ 2 sinh ra thì bị u não và mất cách đây chưa lâu. Được hai đứa con lành lặn, một cháu gái thứ 3 hiện đang học lớp 7, còn cháu Triệu Văn Hiếu (SN 2009) là út thì đã mất vì đuối nước ở khu vực khai thác cát của ông Tấn”.

Kể tới đây, đôi mắt ầng ậng nước, anh Lựa đưa mắt nhìn ra bờ sông kể tiếp: “Hôm đó, khoảng 4 giờ chiều, khi đang ngồi hàng xóm thì tôi bang hoàng nhận được tin người nhà báo cháu Hiếu bị đuối nước ở khu vực bãi bồi Xâm Hồng. Tôi vội chạy ra bãi bồi, tới nơi, một vài người dân cho biết là con trai tôi bị tụt xuống hố cát sâu cùng một cháu khác. Khi vớt cháu lên thì cháu đã tím tái, tắt thở. Lúc ấy, tôi ngã quỵ xuống ôm thi thể con trai. Còn vợ tôi ngất lên, ngất xuống, giờ đây vẫn phải uống thuốc ngủ để vùi quên nỗi đau này”.

Cùng bị nạn với cháu Hiếu, còn có cháu T.T.P, là con em gái của anh Lựa. “Nghe người dân kể lại, khi phát hiện hai đứa trẻ đã ngất lịm, tím tái. Họ cố hô hấp thì mỗi cháu P. mở mắt ra, con cháu Hiếu thì không cứu được nữa. Cháu P. nhanh chóng được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, sau 1 tuần thì cháu được ra viện”, anh Lựa nói.

Điều đáng nói, không chỉ có cái chết thương tâm của cháu Hiếu xảy ra, mà trước đó, năm 2013, một học sinh lớp 7 ở thôn Dương thượng cũng đã bị chết đuối khi rơi vào hố nước sâu khu vực khai thác cát này. Ngoài hai cái chết kể trên, theo những người dân ở thôn Xâm Hồng, còn rất nhiều trẻ em khác đã bị sụt hố nước nhưng do phát hiện kịp thời nên không xảy ra chuyện đau lòng.

Sau khi về thôn Xâm Hồng tìm hiểu những sự việc hết sức bất thường, PV báo PLVN đã nhiều lần liên lạc với chánh văn phòng UBND huyện Văn Giang theo số điện thoại 0983937… đặt lịch làm việc. Đáp trả lại sự cầu thị của PV, ông chánh văn phòng huyện liên tục đưa ra những lí do “chính đáng” để thoái thác!

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm