Thị trường nhà ở xã hội
Ngay đầu năm 2025, nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng đã thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo đó, Sở Xây dựng TP Hà Nội thông báo Dự án nhà ở xã hội Hạ Đình (NO1 Khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có giá bán tạm tính 25 triệu đồng/m2. Dự án này do liên danh Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), CTCP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội Haweicco; CTCP Kinh doanh và Phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án rộng 9.305m2 với một tòa chung cư cao 25 tầng. Tổng cộng có 440 căn hộ, gồm 365 căn hộ nhà ở xã hội và 75 căn nhà ở thương mại. Trong số 365 căn nhà ở xã hội, có 255 căn để bán, 37 căn cho thuê mua và 73 căn cho thuê. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành quý IV/2027. Ngoài ra, nhiều dự án nhà ở xã hội cũng công bố đủ điều kiện bán căn hộ cho thuê sau 5 năm. Đầu tiên là dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư.
Bên cạnh Hà Nội và Đà Nẵng, TP HCM cũng nhập cuộc khi hiện có 21 doanh nghiệp đăng ký xây dựng 52.000 căn hộ trên quỹ đất tự tạo lập. Mặt khác, thành phố còn kêu gọi đầu tư tại 7 khu đất với tổng số 8.000 căn hộ, đồng thời triển khai 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành 70.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030, đồng thời cải tiến thủ tục hành chính và mở rộng quỹ đất dành cho phân khúc này.
Trong năm 2025, các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng cũng dự kiến sẽ triển khai thêm các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, Bình Dương sẽ triển khai thêm 26.552 căn trong năm 2025. Đồng Nai - tỉnh giáp ranh Bình Dương, dự kiến hoàn thành 979 căn hộ. Ở phía Bắc, Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 9 dự án với 15.000 căn hộ vào cuối năm 2025.
Nhà ở giá rẻ sắp “ra lò”
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, TP Hà Nội đã phân chia thành 3 nhóm dự án để phân công các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, gồm nhóm 14 dự án đang triển khai xây dựng, nhóm 11 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, triển khai xây dựng và nhóm 39 dự án đang thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc đang chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như đề xuất chấm dứt hoạt động các dự án nhà ở xã hội để lựa chọn nhà đầu tư khác theo quy định...
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính thông tin Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội. Luật Nhà ở mới quy định những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn. 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp. Lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, từ cuối năm 2023, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng mạnh không chỉ ở những dự án mới mà còn cả ở các dự án đã qua sử dụng. Chính vì vậy, một trong những cách để cải thiện mặt bằng giá bán của loại hình căn hộ chung cư là cải thiện được nguồn cung của thị trường. Trong đó, sự phát triển của nhà ở xã hội với giá rẻ sẽ giúp giá bán trung bình của căn hộ chung cư đi xuống. Khi nguồn cung nhà ở xã hội bật tăng, mặt bằng giá căn hộ sẽ giảm xuống mức phù hợp hơn với người dân có nhu cầu ở thực.
Để giá nhà ở xã hội “hạ nhiệt”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất cần cho phép dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng lên tối đa 1,5 lần, nhằm tận dụng hiệu quả diện tích đất và tạo ra nhiều căn hộ hơn. Theo ông Châu, điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả sử dụng đất mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư trong việc phát triển dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng sẽ được phân bổ ít hơn cho từng căn hộ, từ đó kéo giảm giá thành nhà ở xã hội.
Từ diễn biến thực tế, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ và địa phương trong việc tăng cường chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho các chủ đầu tư nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này. Còn đối với người dân, có thể xem xét bổ sung thêm các gói tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, nếu như năm 2024 cả nước chỉ có 108 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, tương ứng với 47.532 căn hộ, thì năm 2025 dự kiến có 135 dự án được triển khai, với gần 101.900 căn nhà ở xã hội, tăng 2,1 lần so với năm trước. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, mỗi năm thị trường phải cung cấp từ 130.000 - 150.000 căn hộ nhà ở xã hội.