Du học hay tâm lý đám đông?
Chị N.K, một tiến sĩ người Việt hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Trường Excelia - Pháp. Với kinh nghiệm nhiều năm học hành và làm việc tại nước ngoài, chị có nhiều bài viết về các vấn đề giáo dục và những chia sẻ về kinh nghiệm du học, kỹ năng học tập và phát triển bản thân cho các em học sinh, sinh viên.
Theo đó, trong suốt 10 năm sống ở nước ngoài, chị thường xuyên được các bạn trong nước xin lời khuyên về việc du học. Có thể thấy, nhu cầu được du học là rất lớn và lý do mong muốn đi du học cũng rất đa dạng.
Đối với các bé cấp 3, phần lớn lý do các cháu đi du học là “bạn bè trong lớp đều đi cả, cháu cũng muốn đi”. Đáng tiếc là không chỉ các cháu mà nhiều phụ huynh cũng có suy nghĩ như vậy. Vì nhìn thấy bạn bè xung quanh đều đã cho con du học cả, mà con mình lại học ở Việt Nam thì bỗng nhiên cảm thấy thiệt thòi cho con quá.
Nếu các cháu học cấp 3 ở trường tư hay quốc tế thì con đường du học gần như hiển nhiên. Một số khác học ở trường chuyên, lớp chọn, nếu điều kiện kinh tế của cha mẹ không quá dồi dào thì các cháu sẽ dốc sức để tìm học bổng. Tuy nhiên, vì nhiều khi để đi cho bằng bạn bằng bè nên vội vã nhắm mắt chọn đại 1 chương trình nào đó.
Một bộ phận phụ huynh khác cũng suy nghĩ rằng cho con ra nước ngoài để con đỡ hư, vì sợ rằng ở môi trường đại học trong nước, các con sẽ dễ tiếp xúc với nhiều bạn hư. Nhất là giờ đã lớn, suy nghĩ đã tự do hơn, cha mẹ không quản được. Theo chị N.K, có lẽ phụ huynh không biết rằng, du học thì các con vẫn có thể “hư”, theo một cách nào đó. Nhốt mình trong phòng chơi điện tử suốt đêm, có hư không? Ăn uống thì toàn dùng đồ có sẵn, có hư không? Bỏ học đi chơi, có hư không? Vào bar, hút cần sa, bia bọt tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, có hư không? Ở Việt Nam có gì thì ở Tây cũng có đủ, muốn hư là hư được ngay.
Một nhóm khác, hầu hết là những người đã tốt nghiệp đại học và đi làm được vài năm, bỗng chốc bùng lên mong muốn được đi nước ngoài. Một mặt cũng là vì bạn bè cùng lứa đã đi du học (và cuộc sống qua MXH của họ mới đáng mơ ước làm sao chứ!). Mặt khác, cũng là vì cảm thấy chán nản, nên muốn ra nước ngoài để trải nghiệm cuộc sống mới. Cho nên khi hỏi họ muốn học gì, ở đâu khi ra nước ngoài thì các bạn đều trả lời rất mông lung, vì chính họ cũng không thể xác định được mình muốn gì.
Rất có thể, chính vì không tìm hiểu kỹ ngay từ đầu mà nhiều người đã phung phí rất nhiều tiền bạc lẫn thời gian ở một nơi mình không thuộc về, thậm chí là tổn hại đến cả sức khoẻ lẫn tinh thần. Trên thực tế, cuộc sống ở nước ngoài không phải là màu hồng như chúng ta vẫn thường thấy trên mạng xã hội.
Một người mới ra nước ngoài lần đầu tiên sẽ thường phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ (kể cả khi chúng ta đã đạt chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu), rào cản văn hoá, lối sống, luật lệ. Đó là còn chưa kể đến những xa cách, thiếu thốn về mặt tình cảm. Nhiều du học sinh Việt Nam cũng thiếu kỹ năng sống một cách đáng kể, đặc biệt ở bậc đại học.
Bên cạnh đó, việc học tập ở nước ngoài cũng đòi hỏi khả năng tự học rất lớn, nghĩa là giáo viên thường không đi theo sau để đốc thúc, giục giã mà người học cần phải tự chủ hoàn toàn. Vì thế, ban đầu sinh viên cứ tưởng rằng thầy cô ở Tây dễ tính, việc học bên Tây cũng thoải mái, nhẹ như lông hồng, nhưng đến gần cuối kỳ thì mới té ngửa.
Ngoài ra, không chỉ tự chủ mà còn đòi hỏi người học cần phải biết tự học, tự nghiên cứu, chứ không chỉ thầy giảng, trò ghi một cách thụ động ở trên lớp. Tài liệu phải biết cách tự tìm kiếm, tự tổng hợp, phải đọc, viết rất nhiều để tự tích luỹ kiến thức. Thầy cô giáo chỉ là người hướng dẫn trên lớp và trả lời các thắc mắc của sinh viên.
Bên cạnh đó, rào cản về văn hoá cũng khiến nhiều du học sinh không thể hoà nhập với cuộc sống ở nước bạn, chỉ sống khép kín và thu mình trong cộng đồng Việt Nam. Vì thế, dù đi du học nhưng du học sinh lại không học hỏi được cái hay, cái khác biệt ở nơi mình đến.
“Tôi đã khuyên người bạn của tôi để con học ở Việt Nam vì cho tới giờ phút này, chị vẫn không biết rõ con trai muốn học ngành gì và ở đâu. Nơi con muốn đến thì chị lại không muốn để con đi, nơi chị chọn thì con trai chị không muốn. Đây là quyết định sẽ thay đổi cuộc đời cháu, hãy để cháu là người chủ động trong dự án này, bằng không, anh chị chỉ phí tiền vô ích mà có khi còn bị cháu trách móc đấy. Cháu còn cả cuộc đời phía trước, đừng ép cháu làm việc cháu không muốn hay không sẵn sàng”...
Mỗi người đều có thể thành công theo cách của mình
Hai năm lại đây, câu hỏi du học tự túc sớm hay muộn? Có nên đi du học trong đại dịch là những câu hỏi phụ huynh đặt ra trên các diễn đàn. Có thể nói, nếu như trước đại dịch, cho con du học là mục tiêu của các gia đình có điều kiện. Và du học được xem như tiêu chí để con không “thiệt thòi” so với “con nhà người ta”. Du học cũng là những bước khởi đầu để các con hoặc gia đình sẽ định cư ở một miền đất mới… Thế nhưng, sau hai năm đại dịch, quan điểm đó đã thay đổi với không ít phụ huynh. Họ cho rằng, ngày nay, trong thế giới phẳng, sống ở Mỹ hay Việt Nam không còn là điều hồi thúc nữa.
Tham gia trên một diễn đàn, để trả lời câu hỏi nên du học sớm hay muộn? Bạn Chu Dũng, một du học sinh cũng đưa ra những câu chuyện có thật: “Mình có người bạn đến thạc sĩ mới sang học ở Mỹ. Bạn này điểm đầu vào thì cao lắm, học cũng giỏi, nhưng mà dở cái là ở Mỹ đâu có phải cứ giỏi là tìm việc được đâu. Nhiều hôm bạn ấy xì trét vì bạn đồng học xin được thực tập với thạc sĩ mà bạn ấy thì không được dù bạn ấy giỏi hơn. Thành ra khó càng thêm khó. Đến cuối cùng thì bạn ấy vẫn không vượt qua được.
Lại có người bạn khác, đại học thì học ở Việt Nam thôi. Bạn ấy đi làm vài năm thì xin thạc sĩ sang Hàn học. Trong thời gian đó thì liên hệ với giáo sư bên Mỹ, cuối cùng xin được học bổng Tiến sĩ Mỹ. Bạn ấy đang làm thì thầy có công ty ở ngoài, bạn làm luôn cho công ty của thầy. Thấy đi làm ổn bạn ấy cố đẩy bằng thạc sĩ trong 3 năm, để còn đi làm. Năm thứ ba bạn ấy đón vợ con sang. Sau khi tốt nghiệp bạn ấy chuyển công ty khác, kiếm tiền nuôi vợ nuôi con luôn.
Mình có một em kém vài tuổi, học hoàn toàn trong nước thôi. Chưa ra trường em ấy đã thực tập ở một công ty start-up. Em ấy cày từng thứ một trong công ty đó rồi cũng trưởng thành cùng sức lớn của công ty luôn. Rồi em ấy làm 1 cái học bổng trao đổi 6 tháng, về được lên thẳng Ban Giám đốc dù có tí tuổi đầu. Thật sự là tài không đợi tuổi, cũng chẳng cần du học.
Thực ra đi đâu cũng được, sớm hay muộn đều được nhưng bạn cần hiểu rằng du học không phải là mục tiêu duy nhất của đời mình. Du học xong để làm gì mới là câu hỏi quan trọng hơn? Nếu xác định được mục tiêu đó thì sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn từ bản thân hoặc từ cả gia đình. Nếu như thế thì dù đi sớm, đi muộn hay không đi luôn, bạn đều sẽ thành công.
ĐH Harvard ( Mỹ)- giấc mơ của du học sinh giỏi. |
Cuối cùng mình rất đồng ý với một bài trong nhóm cách đây vài hôm, đi không nhất định phải đi sớm, càng không nhất định phải đi Mỹ và không đi thì cũng chẳng sao cả. Mỗi người đều có thể tự thành công theo cách của mình” .
Còn theo thầy Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội), nếu như 30 năm trước chỉ cần có tiếng Anh là dễ kiếm tiền. Và 20 năm trước, chỉ cần du học về là kinh khủng. Nhưng bây giờ, rất nhiều công ty lớn mà mình biết, thì cho dù bạn giỏi tiếng Anh hay bạn đi du học về người ta cũng còn phải cân nhắc, đong đếm chán. Năng lực thật sự mới quan trọng. Do đó, với các bạn trẻ, công thức thành công bây giờ là: Thái độ tốt + Trình độ tốt hoặc Nỗ lực + Năng lực…
Bằng cấp du học ngày càng “mất giá”?
GS Aaron Koh Soon Lee (Đại học Trung Văn Hương Cảng) nhận định, trước đây các nhà tuyển dụng có xu hướng nghĩ rằng trải nghiệm một hệ thống giáo dục nước ngoài khiến sinh viên tự do và sáng tạo hơn. Họ coi du học phương Tây là tốt nhất. Điều này khiến bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài giống như giấy thông hành cho sinh viên. Nhưng khi các trường đại học trong nước thăng hạng trên các bảng xếp hạng thế giới, du học sinh nhận thấy họ không còn là lựa chọn hàng đầu khi về nước xin việc.
Cũng theo GS Aaron Koh Soon Lee, sinh viên quốc tế bị đối xử như những “món hàng” hái ra tiền. “Các trường đại học phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào học phí mà sinh viên quốc tế phải trả, nhưng một số trường không cung cấp được cho sinh viên những dịch vụ tương đương số tiền họ đóng”, GS Koh chia sẻ về lý do có thể khiến bằng cấp du học ngày càng “mất giá”…