Du khách Việt bẻ san hô Vườn quốc gia Côn Đảo, cần 'truy' trách nhiệm hướng dẫn viên

(PLVN) - Gần đây, sự việc một nhóm du khách người Việt phá, bẻ san hô tại Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và hình ảnh túi san hô đủ loại bị vứt bỏ bên đường đã gây nên nhiều bức xúc từ dư luận.
Những túi san hô bị vặt tại bãi biển Côn Đảo bị giữ lại.
Những túi san hô bị vặt tại bãi biển Côn Đảo bị giữ lại.

Thể hiện thiếu ý thức văn hóa

Theo xác minh của Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo, sáng 2/4, có một đoàn khách trước khi trả phòng để bay về đất liền có đi lại tự do và tắm biển. Trong lúc nước cạn, đoàn đã bẻ san hô để mang về. Nhưng do hướng dẫn viên du lịch thông báo không được phép mang những túi san hô này lên máy bay nên khoảng chục túi san hô đủ các loại đã bị bỏ lại đảo. 

Hình ảnh những túi san hô đủ các loại san hô gạc, san hô nai, san hô trứng, san hô đĩa… bị bỏ lại bên đường được một bạn trẻ chụp lại và đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo công đồng mạng.

Đa số ý kiến đều tỏ ra bất bình trước hành động của nhóm du khách này. Một bạn đọc bình luận: “Thật đáng xấu hổ khi cả thế giới đang ra sức vận động chăm lo bảo vệ môi trường thì hiện tại xứ ta đang hành động ngược lại”.

Trả lời báo chí, ông Trần Đình Huệ, Phó giám đốc Ban quản lý VQG Côn Đảo cho biết, những năm gần đây do tác động của tự nhiên và con người nên hệ sinh thái san hô ven biển đã bị suy giảm nghiêm trọng. Từ thực trạng này mà dự án: “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar VQG Côn Đảo” đã được thực hiện nhằm tăng cường lượng san hô, bảo vệ môi trường sống của sinh vật biển và giữ gìn cảnh quan du lịch.

Dù vậy, không rõ do không biết hay cố tình mà nhóm du khách lại hành động như vậy. Việc làm này không chỉ gây ảnh hưởng cho cảnh quan vùng biển, gây thiệt hại cho ban quản lý mà còn thể hiện ý thức văn hóa kém, thiếu hiểu biết của nhóm người này. 

Đừng “quên” đặt biển cấm

Một chi tiết đáng chú ý khác nằm ở chỗ hướng dẫn viên du lịch thông báo cho nhóm du khách này sau khi họ đã thực hiện hành vi phá, bẻ san hô mà không phải trước đó để ngăn cản hành vi này xảy ra. Từ đó phải nhìn nhận lại trách nhiệm của hướng dẫn viên, bao gồm cả hướng dẫn viên của đoàn khách hay hướng dẫn viên trong khu du lịch, trong việc phổ biến thông tin, hướng dẫn, nhắc nhở du khách những hành động nên và không nên làm khi đi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. 

Mặt khác, đây cũng là một bài học đáng nhớ cho ban quản lý dự án khu du lịch công tác thông tin, phổ biến quy tắc ửng xử để hạn chế những hành vi vô ý thức, tự phát như trên mà không o bế sự thoải mái tham quan hay trải nghiệm của du khách.

Thậm chí, cần cân nhắc những biện pháp như đặt biển cấm, hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương để xử lý những hành vi vi phạm kịp thời những đối tượng dù đã biết nhưng vẫn cố tình làm trái để răn đe các trường hợp sau này. Tại nhiều điểm du lịch, các biện pháp như treo biển cấm, phát hành tờ rơi về nội quy, cẩm nang du lịch bỏ túi cho du khách đã đem lại hiệu quả nhất định trong việc quản lý khu du lịch.  

Tài nguyên sinh vật biển là quý giá, mất nhiều thời gian để phục hồi và cần được bảo vệ, duy trì để phát huy được hết thế mạnh của du lịch biển nói riêng và sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung. Thiết nghĩ, văn hóa kém của du khách sẽ là một hạn chế đối với ngành du lịch nước nhà.

Bên cạnh bao nhiêu nỗ lực bảo vệ và gìn giữ môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp, những du khách có hành vi thiếu ý thức, phá hoại cảnh quan cần có biện pháp xử lý đích đáng nhằm răn đe, hạn chế những du khách “xấu xí” như vậy về sau này. 

Đọc thêm