Năm nay huyện Hương Khê đạt sản lượng hơn 10.000 tấn bưởi Phúc Trạch. Hàng trăm ngàn quả bưởi chất lượng cao đứng trước nguy cơ không tìm thấy đầu ra. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đồng thời thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ bưởi của tỉnh và lên kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm bưởi trực tuyến dự kiến diễn ra vào ngày 31/8/2021.
Được biết, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phối hợp cùng các sàn TMĐT Việt Nam để đưa bưởi Phúc Trạch lên chợ điện tử, mở một đầu ra mới cho nông sản tỉnh. Sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post cũng đã đăng ký tiêu thụ 350 tấn bưởi Phúc Trạch, giúp bà con Hà Tĩnh thay đổi hình thức kinh doanh trong thời đại chuyển đổi số quốc gia.
Bằng kinh nghiệm triển khai tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang… Viettel Post đã xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác xúc tiến tiêu thụ đặc sản bưởi Phúc Trạch của tỉnh. Theo đó, bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong kế hoạch này chính là việc tiếp xúc và giúp các hộ nông dân đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò cho biết: “Có sự ủy nhiệm của Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan chính quyền các xã, huyện, chúng tôi có thể nhanh chóng tiếp cận với 120 hộ trồng bưởi chính gốc Hà Tĩnh, đạt tiêu chuẩn VietGAP để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Vỏ Sò, mở một đầu ra mới cho bà con nông dân trong mùa dịch".
Theo đó, nhân viên Vỏ Sò được cử tới tận vườn để có thể hỗ trợ người dân các thao tác với sàn TMĐT một cách dễ dàng và trực quan nhất. Đối với những người nông dân chưa từng mua bán trực tuyến, khái niệm “sàn TMĐT” vẫn còn rất mới mẻ. Viettel Post đã phối hợp cùng các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp bà con nhận ra ưu điểm của việc chuyển đổi hình thức kinh doanh từ cách truyền thống sang môi trường số.
Sàn Vỏ Sò đang lên kế hoạch đưa đặc sản này xuất khẩu theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới như đã làm với vải thiều Bắc Giang. |
Khi tham gia sàn TMĐT, sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp có thể tiếp cận với hàng triệu khách hàng tiềm năng không chỉ trong khu vực lân cận mà ở khắp mọi miền trên đất nước. Đó là cơ hội không thể bỏ lỡ để giúp thương hiệu bưởi Phúc Trạch của bà con đến với đông đảo người tiêu dùng, nâng tầm giá trị “danh quả” của tỉnh Hà Tĩnh.
Không chỉ đưa bưởi Phúc Trạch lên gian hàng TMĐT, nhân viên Vỏ Sò còn hướng dẫn bà con thực hiện livestream bán hàng trên Facebook, các trang mạng xã hội cá nhân. Đây được cho là một trong những phương thức bán hàng hữu hiệu nhất trong thời đại hiện nay nhờ khả năng tương tác trực tiếp với người mua với hình ảnh, âm thanh trực quan, giúp tăng cơ hội chốt đơn. Về lâu dài, bà con cũng có thể dễ dàng tự livestream mà không cần hỗ trợ để có thể hoàn toàn tự chủ động vận hành hoạt động kinh doanh của mình.
Bên cạnh việc nâng cao năng suất kinh doanh qua hình thức mới, công đoạn mang đi tiêu thụ cũng được Vỏ Sò hỗ trợ sát sao. Cụ thể, quy cách sơ chế, đóng gói và bảo quản để đảm bảo chất lượng của trái bưởi cho tới khi đến tay người mua đã được nhân viên Viettel Post hướng dẫn cụ thể cho bà con ngay từ những đơn hàng đầu tiên.
“Bưởi là loại quả có thời gian bảo quản dài nên việc vận chuyển sẽ không gặp nhiều khó khăn như đối với các trái quả khác. Đây là một ưu điểm giúp bưởi Phúc Trạch dễ dàng tiêu thụ tại các thị trường ở xa. Chúng tôi cũng được biết bưởi Phúc Trạch đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường EU. Do đó, sàn Vỏ Sò đang lên kế hoạch đưa đặc sản này xuất khẩu theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới như đã làm với vải thiều Bắc Giang.”, Đại diện sàn TMĐT Vỏ Sò chia sẻ.
Tính tới ngày 25/8, Viettel Post đã đưa 60 hộ nông dân tại huyện Hương Khê lên sàn TMĐT. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm 60 vườn bưởi được thương mại hóa trên môi trường số. Trước đó, đội ngũ nhân viên Vỏ Sò đã khởi động mùa bưởi bằng việc hỗ trợ nông dân huyện Hương Khê livestream ngay tại vườn, chốt đơn hơn 3.000 quả ngay trong sáng ngày 23/8.