Nguy cơ mất hệ sinh thái du lịch ven biển
Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, đặc biệt tại các vùng ven biển, mực nước biển dâng lên làm tăng nguy cơ mất hệ sinh thái du lịch biển. Tại Thừa Thiên - Huế, theo kịch bản 100cm, tất cả các khu du lịch ven biển cũng như đầm phá đều chịu tác động của nước biển dâng.
Còn ở Đà Nẵng, nếu nước biển dâng 100cm sẽ có nhiều di tích, điểm du lịch, cơ sở lưu trú bị ngập. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến nhiều chương trình du lịch của du khách đến Việt Nam bị hủy hoặc bị thay đổi. Ngoài ra, thiên tai, bão lũ cũng khiến nhiều đoàn khách phải hủy, hoãn chuyến hoặc chuyển hướng du lịch sang nước khác.
Nước biển dâng khiến một số bãi biển có thể bị biến mất trong khi một số khác bị xói lở sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các di sản văn hóa, các khu bảo tồn, các khu du lịch sinh thái, các cơ sở hạ tầng du lịch... Một số cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì.
Mặt khác, sự phát triển các thành phố, khu du lịch ven biển cũng gây nên nhiều bất cập, đe dọa đến hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên các vùng này. Theo các chuyên gia du lịch, trong thời gian qua, việc phát triển du lịch biển đảo có những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ, ở một số vùng, một số khu vực đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, kinh tế - xã hội các địa phương và vùng miền. Nền địa chất tại các khu vực ven biển ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương do sóng biển.
Nguyên nhân do cộng hưởng từ tình trạng nước biển dâng, hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát trái phép và tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Bên cạnh đó, chất lượng các rạn san hô của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, ở trạng thái không tốt. Sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biến đổi đại dương là những thách thức dài hạn đối với các khu bảo tồn biển.
Cùng với đó, theo ghi nhận, trong đợt lũ kéo dài 3 ngày (từ 30/11 đến 2/12) tại Nha Trang (Khánh Hòa) vừa qua, một lượng rác rất lớn (trong đó có nhiều cây gỗ lớn) đổ về bãi biển Nha Trang. Có thể thấy, điều này gây tác động cực đoan lên điểm đến du lịch, đồng thời cũng phản ánh nạn phá rừng lấy gỗ, làm biến đổi khí hậu, gây mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng.
Còn nhiều thách thức
Dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên du lịch biển đảo nước ta vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng như mong đợi, mặt khác lại đang gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường. Tính đến nay, trên cả nước có 2 sân bay quốc tế Vân Đồn, Phú Quốc, 1 sân bay quốc gia Côn Đảo, 32 cảng biển, tuy nhiên, chưa có một cảng biển hành khách chuyên dụng nào. Thách thức đặt ra là phải làm sao phát triển du lịch biển đảo cân đối, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bền vững cho môi trường.
Phát triển du lịch biển đảo tại Việt Nam có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm các nước. Đơn cử, đảo Phuket (Thái Lan) mặc dù đã đặt mục tiêu phát triển bền vững nhưng vẫn xây dựng ồ ạt, phát vỡ cảnh quan, môi trường, quá tải từ khoảng năm 1990 nên đã phải dừng khai thác năm 2002 để trẻ hoá điểm đến, thiết kế và xây dựng lại toàn bộ. Từ đó, đảo này kiểm soát ô nhiễm, bồi lấp bãi biển; bảo tồn hệ sinh thái, xây dựng chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội.
Du lịch biển cần cân đối giữa lợi ích kinh tế và sự bền vững cho môi trường. |
Đến nay, Phuket đang phục vụ 10 triệu khách du lịch, trong đó 8 triệu khách quốc tế. Đảo Boracay (Philippines) cũng đã phải trả giá lớn cho việc phát triển không kiểm soát, thiếu bền vững. Tháng 4/2018, đảo này đã phải ngừng đón khách du lịch để quy hoạch và cải tạo lại, chuyển đổi xe sử dụng xăng sang xe điện, xây nhà máy xử lý rác thải, đập phá các công trình xây dựng trái phép… Tháng 10/2018, Boracay mở cửa trở lại và chỉ cho sức chịu tải 19.200 khách có mặt tại đảo cùng một thời điểm.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định “Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo và du lịch thể thao, giải trí biển phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.
Theo đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đưa ra chủ trương về phát triển kinh tế biển và ven biển. Cụ thể, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản…
Nghị quyết cũng chỉ rõ việc cần phải “khuyến khích xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền...”.
Du lịch biển, đảo cũng được xác định là một trong bốn dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Điểm mấu chốt chính là công tác kiểm soát chặt chẽ sự phát triển du lịch biển đảo để không gây ra những hậu quả đáng tiếc về môi trường, làm vỡ hệ sinh thái cảnh quan chung. Công tác này sẽ cần sự hợp tác tích cực từ giới chức địa phương, doanh nghiệp đến các cộng đồng dân cư.
Không giữ được môi trường sẽ là dấu chấm hết cho ngành Du lịch
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: “Một vài đảo hiện nay đang phát triển rất “nóng” như Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo. Trong khi đó, rác thải, nước thải không được xử lý, bê tông hóa quá nhiều phá vỡ tính nguyên sơ.
Nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, tính mùa vụ cao, quyền tham gia hưởng lợi của người dân đối với phát triển bền vững trên đảo ngày càng ít. Người dân có khi lại trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất cha ông để lại. Vì thế, cần có định hướng ngay từ đầu việc đào tạo nguồn nhân lực cho đảo, tạo sinh kế cho người dân, những người cả đời gắn bó với đảo”.
GS.TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo du lịch:“Mỗi đảo có một trạng thái riêng và những tiềm năng, lợi thế khác nhau. Vì thế, cần tìm ra đặc thù của các đảo và xây dựng sản phẩm cho từng nhóm đảo, có định hướng chung để phát triển. Trong gần 3.000 hòn đảo, cần phải chọn lựa những đảo nào có thể đón khách.
Cần có tiêu chí gì để làm du lịch ở những đảo này. Có thể làm theo chuyên đề đảo chuyên du lịch nghỉ dưỡng, đảo chuyên khám phá, đảo chuyên du lịch cộng đồng, đảo phát triển kinh tế biển, đảo nuôi trồng thủy sản, đảo nghiên cứu đa dạng sinh học…”.
Ông Lưu Đức Kế, Công ty Du lịch Việt: “Hiện nay, 70% khách du lịch ở Việt Nam liên quan đến du lịch biển đảo. Vì thế, phát triển du lịch biển đảo là hướng đi đúng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào du lịch biển đảo không xứng tầm, không tính toán sức chứa sẽ phá vỡ cảnh quan, lãng phí thậm chí xâm hại tài nguyên.
Mà nếu không giữ được môi trường, đó sẽ là dấu chấm hết cho ngành Du lịch. Đầu tư cho du lịch phải là đầu tư dài hạn, có tầm nhìn, là đầu tư cho tương lai”.