Ngày 15/9, Văn Phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký, ban hành báo cáo tình hình tháng 8, 8 tháng đầu năm 2023.
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Chủ tịch Lê Trí Thanh cho rằng tình hình kinh tế xã hội địa phương đã có chuyển biến tích cực, nhất là tháng 8 đã góp cải thiện kết quả từ đầu năm đến nay.
Điển hình như sản xuất công nghiệp khởi sắc hơn tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu vận tải kho bãi tăng cao so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả hơn để tháo gỡ và vượt qua; trong đó, trọng tâm là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. |
Theo ông Thanh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bất ổn nhưng với những biện pháp đồng bộ được triển khai từ trung ương và tỉnh, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã có tín hiệu hồi phục so với tháng trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 tăng 13,6% gồm ngành khai khoáng tăng 33,8%; ngành chế biến, chế tạo, tăng 13,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,8%.Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng giảm và lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp gia tăng trong những tháng đầu năm 2023, làm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng ước giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số sản lượng công nghiệp chủ lực 8 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ như cát tự nhiên đạt 252 nghìn m3, tăng 7%; nước ngọt đạt 215 triệu lít, tăng 3,4%; thùng, hộp bằng bìa cứng 17,3 triệu chiếc, tăng 17%; điện thương phẩm 1.676 triệu KWh, tăng 2,8%...
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước đạt 35.060 tỷ đồng, tăng 8,8%; trong đó tăng cao nhất là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,6%; tiếp đến là nhóm hàng may mặc tăng 17,5%; lương thực, thực phẩm tăng 13%...
Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP Hội An). |
Một trong những điểm sáng là ngành du lịch, dịch vụ. So với cùng kỳ năm 2022, tổng lượng khách đến Quảng Nam tăng 59%, doanh thu du lịch tăng 98%. Nhờ du lịch phục hồi, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 14 nghìn tỷ, xấp xỉ cả năm 2019.
Trong số khách đến Quảng Nam có gần 2,8 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 3,1 triệu lượt khách nội địa, doanh thu du lịch ước đạt 5.970 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước là 12.686 tỷ đồng, đạt 48% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 59% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 11.436 tỷ đồng, đạt 55% dự toán, bằng 69% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu 1.225 tỷ đồng, đạt 21% dự toán.
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 13.713 tỷ đồng, đạt 47% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 6.248 nghìn tỷ đồng, đạt 126%; chi thường xuyên đạt gần 7.463 nghìn tỷ đồng, đạt 55%. Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2023 đạt hơn 2,5 tỷ USD, giảm 29,7% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu gần 1,2 tỷ USD, giảm 19,7% và kim ngạch nhập khẩu hơn 1,3 tỷ USD, giảm 36,59%.