Du lịch làng nghề ở vùng đất cố đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều làng nghề tại Ninh Bình từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của dân tộc, hấp dẫn du khách cả trong lẫn ngoài nước đến trải nghiệm và khám phá.
Sản phẩm thêu ren lại làng Văn Lân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. (Ảnh trong bài: Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình)
Sản phẩm thêu ren lại làng Văn Lân, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. (Ảnh trong bài: Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình)

Những làng nghề mang đậm dấu ấn riêng

Ninh Bình không chỉ được biết đến là vùng đất có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với những dãy núi trùng điệp, bên những con sông nghiêng mình uốn lượn, mà vùng đất này còn có bề dày văn hóa lịch sử hàng nghìn năm. Chính vì thế, nơi đây cũng là “cái nôi” sản sinh ra nhiều làng nghề văn hóa. Dù nhịp sống thành thị hiện đại, hối hả nhưng dường như các làng nghề vẫn còn giữ được bản sắc, trở thành một trong những điểm riêng của Ninh Bình thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Nghề thêu ren xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư từ lâu đã nức tiếng cả nước. Bằng những sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải rộng, hẹp, đủ mọi sắc màu, với đôi bàn tay vàng, người thêu ren đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Đường nét thêu ren rất tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú, nhưng lại sống động, mịn màng như những nét vẽ. Sản phẩm thêu ren rất phong phú như: ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, khăn ăn, khăn tay, tranh, ảnh…

Làng nghề ren Văn Lâm nằm ngay cạnh khu vực quần thể danh thắng, di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An, nên du khách cũng sẽ dễ dàng tìm và đến được đây. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, từ năm 1285, khi vua Trần Thái Tông tròn 40 tuổi, nhường ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng, và về vùng núi Vũ Lâm tu hành. Sau đó, bà Trần Thị Dung là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ, theo triều đình nhà Trần về đây truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm biết chăn tằm, dệt vải và thêu thùa. Cứ như thế, nghề thêu ren đã có đến nay trên 800 năm. Trải qua cùng với thời gian thì nghề này vẫn còn được gìn giữ. Cụ thể nhất là mỗi gia đình ở Ninh Hải đều có nhiều loại khung thêu, từ các cháu nhỏ 7 - 8 tuổi đến cụ già 70 - 80 tuổi đều có thể cầm kim thêu được.

Trước đây, người dân làng Văn Lâm chuyên thêu các sản phẩm phục vụ nghi thức, nghi lễ như quần, áo, mũ của đội tế, tàn, lọng, y môn trong đình, đền. Đến nay, các nghệ nhân Văn Lâm đã đổi mới, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thêu ren rất phong phú, nào là ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, tranh, ảnh…

Làng Gốm Bồ Bát đang dần “sống dậy” với bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Ninh Bình.

Làng Gốm Bồ Bát đang dần “sống dậy” với bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Ninh Bình.

Cách đây hàng ngàn năm, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La đã mang theo 5 dòng họ lớn của Bồ Bát nhằm xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và người dân ở đây. Sau đó, những nghệ nhân này đã quyết định sinh sống tại vùng đất ven sông Hồng, lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay.

Từ đó, nghề gốm của làng bị lãng quên theo thời gian, dần mai một và bị thất truyền từ đó. Cũng tưởng chừng đã bị lãng quên, nhưng cách đây hơn 10 năm, những sản phẩm gốm Bồ Bát đã xuất hiện trở lại trên thị trường trong nước. Sản phẩm gốm sứ Bồ Bát cũng rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật…

Ngoài gốm Bồ Bát, làng nghề gốm truyền thống có tuổi đời hơn 50 năm ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan cũng rất nổi tiếng. Gốm Gia Thủy không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Một trong những làng nghề Ninh Bình đã có từ rất lâu, làm nên “thương hiệu” của Ninh Bình, đó là Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân. Tại đây, nghề chế tác đá mỹ nghệ đã gắn bó với người dân hơn 400 năm tuổi, và hầu như nhà nào cũng có người theo nghề đục, gọt, mài đá cả.

Khác với những làng đá nổi tiếng khác, nét độc đáo khiến làng đá Ninh Vân khó bị thay thế, chính là các sản phẩm đá mỹ nghệ đều được chế tác vô cùng hoành tráng trên những công trình như đình, chùa, lăng mộ, tượng đài, phù điêu… Người dân ở xã Ninh Vân có khối óc sáng tạo, cùng với đôi bàn tay tài hoa, đã “biến” những tảng đá vô tri vô giác, thành các tác phẩm nghệ thuật có hồn, làm lay động lòng người. Còn sản phẩm đá bao gồm: tượng, chim thú, bể cảnh, bia, chậu hoa, bàn, ghế, sập, hương án, cổng... Trải qua biết bao thăng trầm, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân vẫn tồn tại và không ngừng nỗ lực phát triển.

Nghề trồng cói và dệt cói ở Kim Sơn đã sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của nhân dân. Không những thế, hiện nay, sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn đã có mặt ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến năm 2016, huyện Kim Sơn có 100% làng, xã đều tham gia chế biến cói, khoảng 20 làng nghề cói được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng cói.

Làng hoa Ninh Phúc nằm ở ven đô thành phố Ninh Bình được hình thành trên các cánh đồng và thôn xóm có tổng diện tích gần 200 ha. Các loài hoa được coi là thế mạnh của Ninh Phúc là hoa hồng, ly, cúc, dơn, đồng tiền, violet, huệ và các hoa mới như Cát Tường, Dạ Yến Thảo, Cúc Báo Xuân, Phong Vũ Thảo…

Sản phẩm của Làng nghề Dệt cói Kim Sơn.

Sản phẩm của Làng nghề Dệt cói Kim Sơn.

Tuyến du lịch kết hợp với làng nghề

Từ năm 2013, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề gắn với du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xây dựng nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề hiện có và du nhập nghề mới; gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch lễ hội truyền thống; Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện di chuyển các nghề, làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Trong quy hoạch phát triển nghề, làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch tỉnh Ninh Bình có nội dung Quy hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch có định hướng xây dựng 4 tuyến du lịch kết hợp với làng nghề; dự kiến xây dựng 10 điểm du lịch làng nghề. Bên cạnh đó, Quy hoạch còn đưa ra hệ thống giải pháp toàn diện đặc biệt là các giải pháp về thị trường tiêu thụ, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bảo vệ môi trường, kỹ thuật công nghệ, vốn để hỗ trợ, khuyến khích các nghề, làng nghề phát triển, đồng thời gắn với phát triển du lịch, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh.

Nhiều tiềm năng là thế nhưng đến nay, việc phát triển du lịch làng nghề tại tỉnh Ninh Bình còn tồn tại những khó khăn, bất cập. Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, hiện nay số làng nghề kết hợp sản xuất với khai thác phát triển dịch vụ du lịch còn ít. Phần lớn các làng nghề chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản lý, vốn, kiến thức thị trường và truyền thông hạn chế. Trong khi đó, các làng nghề mới chỉ tập trung vào việc truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình qua các kênh thương mại, tập trung vào xuất khẩu với các đơn đặt hàng sẵn có của khách hàng mà chưa quan tâm, chú trọng đến phát triển và quảng bá sản phẩm theo kênh du lịch. Việc kết nối giữa các làng nghề với làng nghề, các làng nghề trong khu vực, giữa làng nghề với đơn vị lữ hành chưa được khai thác hiệu quả, thiếu tính liên kết.

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa sẽ là tiền đề để mỗi làng nghề nói riêng và du lịch Ninh Bình nói chung, hòa chung với nhịp sống của thời đại. Điều này góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa riêng của tỉnh nhà. Chắc hẳn những du khách, nhất là khách quốc tế, sẽ rất thích thú khi được trải nghiệm những tour du lịch này khi đến với Ninh Bình.

Đọc thêm