Du lịch leo núi hấp dẫn du khách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được thiên nhiên ban tặng những dãy núi trải dài tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, ngành du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung phát triển, các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch leo núi để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Chinh phục các đỉnh núi đang hấp dẫn du khách.
Chinh phục các đỉnh núi đang hấp dẫn du khách.

Thách thức lòng dũng cảm của du khách

Với việc sở hữu 6/10 ngọn núi hùng vĩ, hiểm trở nhất cả nước như: Pu Ta Leng, Pu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, tỉnh Lai Châu là địa phương có nhiều thế mạnh trong việc phát triển loại hình du lịch leo núi, chinh phục các đỉnh cao. Chỉ sau một thời gian ngành du lịch mở cửa trở lại, địa phương này đón hàng chục nghìn khách du lịch đến leo núi, chinh phục và khám phá.

Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 có chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ” vừa diễn ra giữa tháng 4 tại thành phố Lai Châu và các huyện với điểm nhấn là các tour du lịch leo núi chinh phục các đỉnh núi cao.

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: “Bên cạnh việc tiếp tục phát huy các điểm du lịch cộng đồng đã có thương hiệu như Sin Suối Hồ, Sì Thao Chải, Lao Chải, Bản Thẳm thì Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Du lịch thiết lập các sản phẩm du lịch mới mà Lai Châu có lợi thế. Như là thiết lập các tour du lịch chinh phục các đỉnh núi cao của Lai Châu, du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch nông nghiệp và du lịch thể thao mạo hiểm”...

Những đỉnh núi như Pu Si Lung, Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Hoàng Liên San... giờ đây không còn xa lạ với những người yêu thích loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Sản phẩm du lịch trekking các đỉnh núi nguyên sơ đang là nét riêng vốn có của Lai Châu.

Chinh phục đỉnh núi Pu Ta Leng cao hơn 3.000m đang là tour du lịch được giới trẻ ưa thích.

Chinh phục đỉnh núi Pu Ta Leng cao hơn 3.000m đang là tour du lịch được giới trẻ ưa thích.

Tả Liên Sơn hay còn có tên gọi khác là núi Cổ Trâu, tọa lạc trên địa phận xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Đây là đỉnh núi cao thứ 6 của Việt Nam, với 2.996 mét so với mực nước biển và nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Do mang trên mình vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ với những khu rừng già, Tả Liên Sơn đang là sản phẩm du lịch trekking thú vị, đáng nhớ để du khách khám phá, chinh phục.

Hành trình chinh phục Tả Liên Sơn, du khách sẽ được đi xuyên qua khu rừng già cổ tích, với hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Đó là những thảm thực vật nguyên sinh đa dạng, những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to phủ kín rêu phong và dương xỉ. Khi đặt chân đến độ cao khoảng độ cao 1.700 mét, du khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp ma mị của rừng chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Khi đến với đỉnh Tả Liên Sơn, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên, nhất là cánh rừng hoa đỗ quyên vào mùa.

Theo đánh giá của các du khách và chuyên gia về du lịch trekking ở Lai Châu, các đỉnh núi ở địa phương đều có hiện trạng nguyên sơ của những cánh rừng già và cung đường khám phá với độ khó cao, thách thức sự kiên trì và lòng dũng cảm của du khách.

Cũng như Lai Châu, Lạng Sơn đang phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, leo núi thể thao. Những năm gần đây, khu du lịch cộng đồng Hữu Liên, Yên Thịnh của huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Sản phẩm leo núi thể thao mạo hiểm mới được địa phương đưa vào triển khai đã tạo ra điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến với vùng đất này.

Nhiều lớp tập huấn cách thức, kỹ năng nghiệp vụ phát triển du lịch cộng đồng; tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện và nhân viên cứu hộ môn leo núi thể thao của doanh nghiệp và người dân địa phương đã được mở ra.

Du khách có thể lựa chọn hai hình thức leo dẫn đường và leo với dây neo sẵn. Tại mỗi khu vực đều có thiết kế bản đồ leo núi do các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu phát triển và thông tin cơ bản các đường leo; phục vụ thí điểm hoạt động leo núi thể thao cho du khách.

Khi leo núi, du khách không được đi tách đoàn.

Khi leo núi, du khách không được đi tách đoàn.

Sản phẩm du lịch “Leo núi thể thao mạo hiểm” tại Yên Thịnh được khai thác xây dựng thành những tour du lịch 2 ngày 1 đêm hoặc tour du lịch 1 ngày. Tour sẽ có một hướng dẫn viên và một trợ lý hướng dẫn kỹ thuật. Thông thường, tour có tối đa 20 người leo tại một điểm leo để đảm bảo an toàn vì giới hạn chỗ đứng, đường leo. Tour du lịch leo núi thể thao mạo hiểm thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm thực tế. Cách đây 2 năm, 80% lượng du khách leo núi là người nước ngoài như: Pháp, Mĩ, Australia, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức... Bên cạnh đó, một lượng lớn du khách là học viên của các câu lạc bộ leo núi hoặc một số trường học phổ thông quốc tế có môn học leo núi.

Khi chinh phục những ngọn núi cao tại đây du khách được phóng tầm mắt tận hưởng cánh đồng lúa, ngô như trải thảm xanh mướt dưới chân mình. Vào mùa hè, sau những giờ chinh phục ngọn núi cao du khách có thể tắm mát tại các hồ tắm trong núi như: Mỏ Cả, Mỏ Mây,….

Tại một hội thảo về phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm diễn ra cuối năm 2021, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn nhận định, du lịch mạo hiểm là xu hướng ngày càng được ưa chuộng trên thế giới và thu hút nhiều du khách.

Du khách cần cẩn trọng khi chinh phục các đỉnh núi.

Du khách cần cẩn trọng khi chinh phục các đỉnh núi.

Cẩn trọng khi chinh phục các đỉnh núi

Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch leo núi song song với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng và đảm bảo tính mạng du khách là vấn đề được các địa phương trăn trở. Trên thực tế, không ít du khách khi leo núi đã “tiện tay” vứt rác bừa bãi trong rừng và chặt hái những cây hoa lan, đỗ quyên… về làm “kỷ niệm”.

Đặc biệt, mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền và cảnh báo, nhưng trên đường chinh phục đỉnh núi cao, nhiều du khách vẫn bất chấp nguy hiểm, leo ra các mỏm đá chênh vênh để chụp ảnh, nếu không may ngã xuống dưới thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

Đã có một số du khách bị mất tích, tử vong khi tham gia du lịch leo núi mạo hiểm. Còn nhớ, tháng 10/2017, một nữ phượt thủ bị nước cuốn trôi khi băng qua suối Yavly, khi đang chinh phục cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Ngày 21/05/2018, nhóm tìm kiếm đã tìm thấy thi thể của du khách Thi An Kiện dưới tầng thứ 4, thác Lao Phào trong tình trạng bị trương sình sau 8 ngày mất tích trên núi Tà Năng – Phan Dũng. Cung đường Tà Năng – Phan Dũng có chiều dài khoảng 60 km xuyên qua 3 tỉnh từ địa phận tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, được mệnh danh là đẹp nhất cả nước. Chính quyền địa phương từng cảnh báo nhiều mối nguy hiểm ở cung đường này. Tuy nhiên, không ít nhóm đi phượt tự phát nên cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Sau hơn 2 ngày mất tích khi đang chinh phục đỉnh núi Fansipan (Sa Pa, Lào Cai), vận động viên leo núi chuyên nghiệp người Anh - Aiden Shaw Weeb (SN 1993) - được phát hiện đã tử nạn vì rơi xuống một khe núi rất sâu vào ngày 9/6/2016.

Các chuyên gia du lịch đưa ra lời khuyên, khi leo núi, du khách nên chú ý đi theo đoàn và người hướng dẫn, tuyệt đối không xé lẻ. Tùy thể lực mỗi người trong đoàn mà leo nhanh chậm khác nhau nhưng lúc nào trong một nhóm nhỏ cũng nên có ít nhất 2 người đi cùng nhau. Tránh trường hợp để một người đơn độc giữa núi rừng, đặc biệt là những người không có kinh nghiệm đi phượt. Mặt khác, một kinh nghiệm nhỏ, du khách nên mang theo dây ruy băng để đánh dấu lại những đoạn không chắc. Khi đi được một đoạn mà thấy đường lạ khó đi, du khách nên quay lại ngay. Nếu không xác định được phương hướng thì tốt nhất là không nên đi tiếp mà chờ người tới tìm. Một mặt để tránh việc tiêu hao năng lượng, tai nạn xảy ra, mặt khác để đội cứu hộ dễ tìm thấy.

Những dốc cao, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bị trượt chân ngã xuống vực thẳm. Vì thế, việc trang bị những kỹ năng leo núi trước khi chinh phục các đỉnh núi là điều rất cần thiết. Trong trường hợp gặp dốc đứng, du khách men theo triền để tiến lên theo hình chữ Z, sử dụng thêm cả hai tay để hỗ trợ bằng cách bám vào đá, thân, rễ cây... Nhưng nhớ ướm thử độ chắc chắn của những vật mà du khách dùng làm điểm tựa.

Những đồ dùng bất ly thân du khách luôn nhớ phải để trong ba lô của mình là: đèn pin, thiết bị định vị GPS, la bàn điện thoại di động và sạc pin dự phòng đủ dùng vài ngày. Khi leo núi, du khách phải mang theo một chút đồ ăn có thể là các thanh socola, nước khoáng mặn hay nước có C sủi để cung cấp lượng nước, dinh dưỡng bù lại đã mất cho cơ thể. Ngoài ra, du khách cần mang theo túi đựng thuốc: chữa cảm cúm, đau đầu, tiêu chảy, dầu xoa bóp, thuốc bôi chống côn trùng cắn, nồi xoong nhỏ để nấu thức ăn, diêm, chăn ấm...

Cảnh báo những người có tiền sử về huyết áp, tim mạch và tai biến mạch máu không nên tham gia tour; khi có vấn đề gì xảy ra cần báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để kịp thời giải quyết.

Đọc thêm