Nhiều điểm đến “nói không” với thuốc lá
Khi đi du lịch tại những quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ireland, Nhật Bản, Singapore..., những du khách có thói quen hút thuốc lá cần thận trọng tìm hiểu kỹ những quy định ở các nước này và tránh hút thuốc tại các điểm công cộng nếu không muốn bị mất tiền oan và dính rắc rối trong chuyến du lịch nước ngoài.
Cộng hòa Ireland là nước đầu tiên trên thế giới ban hành một luật lệ chống hút thuốc hoàn toàn vào năm 2004. Hút thuốc tại nơi làm việc ở Ireland có thể bị phạt lên tới 3.347 USD (khoảng 79 triệu đồng). Lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng trên toàn quốc được ban hành vào năm 2007, bao gồm tất cả các địa điểm như quán bar, nhà hàng, công viên…
Theo đó, hút thuốc lá chỉ được cho phép tại các nhà hàng ăn uống có bố trí phòng riêng tách rời hoàn toàn với nhà hàng và không phục vụ đồ ăn cho người hút thuốc. Đáng chú ý, từ ngày 20/5/2021, Ireland cấm bán thuốc lá cũng như các sản phẩm thuốc lá có hương bạc hà. Lệnh cấm trên được Chính phủ Ireland công bố ngày 19/5/2021. Mục đích của lệnh cấm là để bảo đảm thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá không chứa các thành phần làm tăng hương vị hấp dẫn người hút thuốc hoặc dễ lôi kéo người tập thói quen hút thuốc.
Đất nước Phật giáo Bhutan cũng được biết đến như là quốc gia đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm hút thuốc hoàn toàn tại tất cả mọi nơi và dưới mọi hình thức, từ ngày 17/12/2004. Tại Bhutan, thuốc lá không được trồng và thống kê chỉ có 1% dân số hút thuốc. Nếu là người dân bị bắt gặp hút thuốc, du khách có thể đối mặt với số tiền phạt lên tới 225 USD, tức là khoảng 5,2 triệu đồng.
Còn Scotland là quốc gia đầu tiên trong Liên hiệp Vương quốc Anh thực hiện điều luật văn minh này. Những người vi phạm sẽ phải nhận mức phạt lên tới 3347 USD (khoảng 73 triệu VNĐ). Úc là một trong số các quốc gia có lệnh cấm hút thuốc lá nghiêm ngặt nhất thế giới. Hầu như mọi bang và vùng lãnh thổ của Úc đã ban hành lệnh cấm hút thuốc trong xe ô tô có trẻ em, nơi công cộng và nhà hàng. Một số hội đồng địa phương cấm hút thuốc trên các bãi biển và sân thể thao với số tiền phạt lớn.
Tại Mỹ, rất nhiều tiểu bang đã ban hành lệnh không hút thuốc lá tại những nơi công cộng, thậm chí là mọi khu vực trong tiểu bang. Điều này đã giúp nâng cao ý thức về thuốc lá và phần nào ngăn chặn được sự nguy hiểm âm thầm của thuốc lá tới cộng đồng khi đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh, thiếu niên hút thuốc cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các bang có những quy định hạn chế hoặc cấm khác nhau về hành vi hút thuốc lá. Đơn cử ở New York, hành vi hút thuốc bị cấm tại tất cả các công viên, khu vực đi bộ, bãi biển, bể bơi công cộng, quảng trường; nhưng tại Texas, Mississippi, Georgia, việc hút thuốc tại các điểm công cộng như quán bar, nhà hàng hoàn toàn hợp pháp.
Còn tại xứ sở kim chi Hàn Quốc, kể từ ngày 1/1/2015, trừ những địa điểm được cho phép hút thuốc (thường là buồng kín dành cho người hút thuốc theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế nước này), việc hút thuốc tại các nhà hàng, quán cà phê, quán bar, ngoài đường và bất cứ nơi công cộng, điểm du lịch nào là bất hợp pháp. Các khu vực cấm hút thuốc hoàn toàn có thể kể đến: văn phòng chính phủ, trường học, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, nhà xưởng, phương tiện giao thông công cộng, sân ga và lối đi ngầm, thư viện, rạp chiếu phim trên 300 chỗ, trung tâm mua sắm ngầm, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở thể thao có sức chứa trên 1.000 khán giả; công trình phúc lợi, nhà tắm công cộng;… Mức phạt tiền cho hành vi vi phạm rất nặng.
Ngoài ra, Chính phủ còn áp dụng nhiều biện pháp khác để cảnh cáo người vi phạm. Đơn cử, tại sân bay quốc tế Incheon (Thủ đô Seoul), có nhiều chiếc chuông “cấm hút thuốc” được lắp đặt tại các địa điểm trong sân bay để du khách có thể bấm mỗi khi ngửi thấy mùi khói thuốc. Theo đó, chiếc chuông sẽ phát lên thông báo: “Đây là khu vực cấm hút thuốc. Làm ơn dập điếu thuốc đi” để nhắc nhở bất kì ai đang hút thuốc ở xung quanh khu vực này.
Chuông “cấm hút thuốc” tại một trạm xe buýt ở sân bay Incheon nhằm nhắc nhở người hút thuốc tắt thuốc nếu đang sử dụng. (Nguồn: Kang Huyn/Korea JoongAng Daily) |
Singapore và Nhật Bản đều đã ban hành lệnh cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng. Ở Singapore, chỉ những nơi có treo biển báo được phép hút thuốc lá thì mới có thể thoải mái hút thuốc. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện vi phạm hút thuốc lá tại khu vực cấm, người vi phạm có thể bị phạt từ 200 đến 1.000 đô la Singapore và bị kết án tại tòa. Nhật Bản cấm hút thuốc lá nơi công cộng từ năm 2004 và bệnh viện, trường học là những nơi bị cấm triệt để. Tại Trung Quốc, từ năm 2014, Chính phủ nước này đã chính thức ban hành lệnh cấm du khách và người dân địa phương hút thuốc tại các địa điểm công cộng ở Thủ đô Bắc Kinh. Hình phạt đối với cá nhân vi phạm là 32 USD (khoảng 742.000 VNĐ) và đối với doanh nghiệp có thể lên tới hơn 1.600 USD (khoảng 37 triệu VNĐ).
Việt Nam xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc
Tại Việt Nam, Hà Nội là địa phương tiên phong với xu hướng du lịch không khói thuốc. Từ tháng 10/2019, khoảng 30 điểm đến văn hóa, du lịch nổi tiếng của Hà Nội như Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn, Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm giao lưu phố cổ, đền Ngọc Sơn… tuyệt đối không được hút thuốc lá theo cam kết của ban quản lý các điểm này. Việc cam kết xây dựng những điểm du lịch, văn hoá không khói thuốc góp phần nâng cao hình ảnh của điểm đến, đồng thời bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt đối với những người không hút thuốc.
Dù việc xử phạt với du khách không hề dễ dàng nhưng đây là một trong những bước đi đầu tiên đặt nền tảng cho những nỗ lực thay đổi hành vi của người dân, du khách theo hướng hình thành, gìn giữ bầu không khí trong lành, không khói thuốc. Trên thực tế, quận Hoàn Kiếm cũng đã xử phạt khá nhiều trường hợp hút thuốc lá tại nhà hàng, khách sạn có treo biển cấm hút thuốc là. Điển hình nhất là năm 2017, quận đã xử phạt 160 triệu, năm 2018 phạt gần 90 triệu.
Đáng nói, trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 đã có quy định về các địa điểm cấm hút thuốc, trong đó cơ sở lưu trú du lịch, khu vực trong nhà của các nhà hàng là nơi cấm hút thuốc lá. Nhằm giúp các cơ sở thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch không khói thuốc lá với các tiêu chí và các bước xây dựng cụ thể.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch xây dựng tài liệu hướng dẫn môi trường du lịch không khói thuốc, tổ chức tập huấn, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú. Cụ thể, Tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh bổ sung thêm một số nội dung theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Trong đó tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú, không có hiện tượng hút thuốc và đầu mẩu thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá của cơ sở lưu trú du lịch; nơi dành riêng cho người hút thuốc phải bảo đảm các điều kiện như: có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng, chống cháy nổ; không có hiện tượng kinh doanh thuốc lá tại cơ sở lưu trú du lịch...
Có thể thấy, ngành Du lịch Việt Nam hướng tới xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc là một xu hướng tất yếu, đúng đắn. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người lao động, du khách; giảm thiểu các vụ cháy, nổ ở các địa điểm du lịch; mà còn góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, tạo ấn tượng tốt đẹp để thu hút du khách và phát triển du lịch một cách bền vững.