“Làng đảo” mộc mạc giữa dòng sông Lam
Chỉ cách TP Vinh vài km, cách TP Hà Tĩnh khoảng 50km, nhưng bao lâu nay thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn được ví như “ốc đảo” bao quanh bốn bề sông nước. Giao thông qua đò cách trở. Các thế hệ người dân “làng đảo” nối tiếp nhau làm nông nghiệp, rồi bươn bải ra ngoài mưu sinh. Người già và trẻ nhỏ ở lại. Đến lúc trường học cũng bỏ không vì thiếu học sinh... Nhưng nay, Hồng Lam đã trở thành điểm du lịch trải nghiệm thu hút nhiều du khách.
Tác giả của mô hình du lịch tại đây là hai bạn trẻ đến từ bên kia bờ sông Lam – anh Lê Vũ Nguyên Huy và vợ Võ Phương Trinh (cùng SN 1992, ngụ TP Vinh, Nghệ An). Cùng tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau nhiều năm xa quê sinh sống tại các thành phố lớn, cả hai đều mong muốn tìm nơi yên bình để ổn định cuộc sống. Một lần được bạn bè đưa đi thăm thôn Hồng Lam, đôi vợ chồng trẻ đã rất lưu luyến mảnh đất này.
![]() |
Thôn Hồng Lam vẫn vẹn nguyên nét mộc mạc của làng quê xưa. |
Huy cho biết cả hai đã yêu Hồng Lam ngay từ lần đầu đặt chân trên con đường làng mộc mạc, bắt gặp những lũy tre làng quấn quýt từ bao đời và hít căng lồng ngực không khí làng quê trong lành. Không gian thiên nhiên ở đây gần như còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa bị kiến trúc xây dựng hiện đại phá vỡ.
Càng tìm hiểu, đôi bạn trẻ càng thấy mảnh đất này chứa đựng những câu chuyện giá trị nhân văn mà đôi khi dễ bị lãng quên trong cuộc sống vội vã. Thôn đã có lịch sử 500 năm, nhưng vì thiên tai lũ lụt và những khó khăn về địa lý, dân cư dần rời “đảo” đi lập nghiệp. Những người ở lại đa phần trung niên hoặc cao tuổi. Trẻ em chủ yếu do bố mẹ đi làm xa gửi ông bà chăm nom. Dân làng đều thuần nông, rất thật thà, hiếu khách. Yêu mến cảnh và người nơi đây, đồng thời nhận thấy tiềm năng của “làng đảo”, vợ chồng anh Huy ấp ủ dự án phát triển du lịch trải nghiệm.
![]() |
Anh Lê Vũ Nguyên Huy mong muốn phát triển du lịch trải nghiệm tại Hồng Lam. |
Mô hình du lịch độc đáo
Bắt tay vào triển khai dự án mới thấy bộn bề vất vả, bao gồm cả việc “chưa có tiền lệ”. Anh Huy cho biết: “Có rất nhiều khó khăn từ khi khởi điểm cho tới khi thành hình, khó nhất là về công tác dân vận để tất cả bà con trong thôn cùng hiểu và đồng hành với mình, sau đó tới giấy tờ pháp lý”.
Với cam kết gìn giữ những giá trị truyền thống tại Hồng Lam, mang lại các giá trị bền vững cho cộng đồng, ý tưởng của vợ chồng anh Huy được các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư thôn ủng hộ. Nhờ chính quyền hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc ban đầu về thủ tục, Hợp tác xã Dịch vụ Hồng Lam ra đời năm 2023 với mục tiêu phát triển du lịch bản địa và tạo đầu ra cho các sản phẩm địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân “ốc đảo”. Vợ chồng anh Huy tham gia với vai trò thành viên Hợp tác xã và cố vấn mô hình thí điểm trải nghiệm du lịch tại thôn. Các thành viên còn lại đều là người dân Hồng Lam.
![]() |
Anh Huy thuyết trình về mô hình du lịch trải nghiệm tại Hồng Lam. |
Anh Huy nhớ lại: “Những ngày đầu bộn bề khó khăn. Điện, nước không có. Giao thông đi lại cách trở. Cơ sở vật chất, đồ ăn thức uống... đều rất vất vả. Thậm chí thời gian đầu chúng tôi phải chở cả đá lạnh “đi đò” sang để phục vụ du khách”.
“Chúng tôi cứ làm dần, không vội vàng. Khung cảnh và nhịp sống tại Hồng Lam cũng vậy, thích hợp với “sống chậm”. Hơn nữa, ở đây muốn vội cũng không được. Tất cả đều phải... đợi đò”, anh Huy cười.
Sức hút tour trải nghiệm “sống chậm”
Những vị khách đầu tiên đến “ốc đảo” thông qua Hợp tác xã Dịch vụ Hồng Lam phần lớn là người thân, bạn bè muốn tìm một không gian “chill chill” để "check in"; Hay đơn giản là tìm một chốn bình yên, mắc chiếc võng nằm đung đưa thư giãn, thưởng thức những thức ăn hương đồng gió nội.
Dần dần qua “truyền miệng”, du khách biết đến Hồng Lam nhiều hơn. Theo anh Huy, hành trình tới với “ốc đảo” Hồng Lam không chỉ dừng ở việc vui chơi giải trí hay ăn uống đặc sản địa phương mà còn là câu chuyện “trải nghiệm 1 ngày bình thường” của người dân “đảo”. Đó là quãng thời gian ngồi đón gió sông Lam chờ đò cùng người dân bản địa, cùng trò chuyện với họ để hiểu những khó khăn và cả những lợi thế của cuộc sống trên “ốc đảo”. Rồi cảm giác được lênh đênh mát mẻ trên chuyến đò dân sinh, ngồi xen cùng hàng hóa nhu yếu phẩm...
![]() |
Nhiều bạn trẻ đến "ốc đảo" để "check in" cảnh hoàng hôn trên sông Lam. |
Khi đặt chân tới cổng làng, du khách có thể cảm thấy thời gian như chậm lại với những hình ảnh rất gần gũi nhưng tưởng như chỉ có trong ký ức làng quê xưa: con đò nhỏ, lũy tre xanh, trâu, bò tắm mình dưới bùn và những người nông dân trên cánh đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Hành trình qua làng, ngắm những ngôi nhà đơn sơ còn cả dấu vết những trận ngập lụt, những chuồng trâu, chuồng bò được “ưu tiên” cao hơn nhà dân. Hành trình qua đồng, ngắm những cánh đồng cói, đồng rươi, đồng ngô, đồng lạc... Và cánh rừng phi lao xanh mát với nhiệm vụ giữ đất khỏi sạt lở, đồng thời là nơi tránh nắng, tránh lũ trên đảo.
![]() |
Khung cảnh yên bình với đàn trâu, bò tắm sông trên "làng đảo" Hồng Lam. |
Theo anh Huy: “Mong muốn của chúng tôi khi làm du lịch tại Hồng Lam là xây dựng một hành trình giúp du khách trải nghiệm “sống chậm”. Vì đơn giản mọi thứ trên “đảo” là không vội vàng. Khi du khách lựa chọn Hồng Lam là điểm đến sẽ cảm nhận được những giá trị truyền thống của làng quê, được đón tiếp như những người xa quê về thăm, không cầu kỳ, mọi thứ vừa đủ nhưng sự nhiệt tình thì luôn thừa”.
Xây dựng giá trị cộng đồng bền vững
Hiện mô hình thí điểm du lịch trải nghiệm tại Hồng Lam đã tạo công ăn việc làm cho 10 nhân sự người làng, bước đầu đưa được mặt hàng nông sản địa phương tới với nguồn khách du lịch trực tiếp, như ngô, lạc, rươi, mắm cáy, gà “chạy bộ” Hồng Lam… Con em xa quê khi trở về Hồng Lam có thêm một nơi để vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Đáng mừng hơn nữa là có người đã trở về chung tay cùng Hợp tác xã phát triển du lịch trên chính quê hương mình.
![]() |
Du khách chờ đò tại cổng làng Hồng Lam. |
“Chúng tôi thường nói xây 1 cái nhà trên “đảo” có khi bằng 3 cái nhà trên đất liền, chi phí và công sức đều “nhân ba”. Ở đây nhiều thứ không có sẵn, từ chiếc bánh mì, bó rau, thực phẩm tươi đều phải đưa đò sang hoặc đặt trước. Vận chuyển đến bến đò, lên đò, rồi lại xuống đò. Để đưa được một chiếc xe điện chở du khách sang Hồng Lam, chúng tôi phải ghép 2 đò, căn con nước thuận lợi để cùng lúc nổ máy di chuyển. Do ảnh hưởng thời tiết cũng khấu hao rất nhanh, chi phí sửa chữa đội lên nhiều. Mặt khác, chúng tôi vẫn làm với quy mô nhỏ, nhiều ý tưởng chưa thực hiện được”, anh Huy cho biết.
“Điều ý nghĩa nhất mà chúng tôi cảm nhận được khi làm du lịch tại Hồng Lam là những giá trị tưởng chừng rất đơn giản, nhưng đôi khi rất khó có được trên “ốc đảo”. Như ánh mắt hạnh phúc của các em nhỏ trên “đảo” lần đầu tiên được xem múa lân, vẽ mặt nạ, làm đèn lồng trong Tết trung thu tổ chức tại Hồng Lam. Hay sự trở về của những người trẻ từng rời “đảo” đi xa mưu sinh. Những điều đó đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi rất nhiều”, anh Huy nói.
![]() |
Tổ chức Tết Trung thu cho các em nhỏ trên "ốc đảo" . |
Dù còn nhiều khó khăn nhưng anh Huy chia sẻ, Hợp tác xã mong muốn tương lai có thể xây dựng được những nội dung trải nghiệm phong phú hơn, giúp du khách hiểu sâu hơn về lịch sử và văn hóa của làng Hồng Lam: di tích nhà thờ họ Hồ Dao với hơn 500 năm lịch sử, cánh đồng cói nơi sinh ra làng nghề dệt chiếu lâu đời… Đặc biệt anh mong ngày càng tạo thêm được nhiều hơn việc làm cho người làng, tổ chức được nhiều sự kiện ý nghĩa để góp phần cải thiện đời sống người dân cả về tinh thần và vật chất.
Ông Đặng Thái Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang:
Thôn Hồng Lam chiếm phần lớn diện tích xã Xuân Giang nhưng cách biệt bốn bề sông nước. Trước đây, ngoài người dân bản địa thì ít người sang. Mô hình thí điểm du lịch trải nghiệm của Hợp tác xã Dịch vụ Hồng Lam được người dân ủng hộ, chính quyền tạo điều kiện và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Trong quá trình Hợp tác xã triển khai dịch vụ còn có những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, các cấp chính quyền đã đến kiểm tra, đồng hành tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục.
Hồng Lam cũng là một trong những địa điểm được chính quyền và các sở, ngành khảo sát với mong muốn phát triển tuyến du lịch sinh thái ven sông Lam, nhưng trước mắt chưa triển khai được do chưa có bến dừng thuận lợi. Du khách đến Hồng Lam hiện vẫn phải qua bến đò Xuân Giang. Đây là bến đò dân sinh duy nhất còn tồn tại ở tỉnh Hà Tĩnh. Hai con đò đều do chính quyền đầu tư 100%, giao cho hai người trong thôn có chứng chỉ về lái đò để phục vụ việc đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Thế Lục – Bí thư chi bộ thôn Hồng Lam, Giám đốc HTX Dịch vụ Hồng Lam:
Người dân sinh sống tại thôn hiện nay chủ yếu là người già, trẻ em cũng ít. Do điều kiện địa lý cách trở và y tế không đảm bảo, những năm gần đây cũng rất ít em bé được sinh ra tại làng. Lao động trẻ nhất trong thôn hiện đã 40 tuổi, cao nhất đến 100 tuổi.
Hồng Lam xa xưa đã thơ mộng, nguyên sơ, cuộc sống người dân giản dị. Trước đây cũng có khách đến chơi nhưng chưa ai đặt vấn đề làm du lịch tại đây như vợ chồng anh Huy. Sau thời gian hoạt động, mô hình du lịch trải nghiệm không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, tạo đầu ra cho sản phẩm trong thôn mà còn đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nâng cấp các tuyến đường lâu ngày, tu sửa hội trường thôn.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng tổ an ninh thôn Hồng Lam:
Thôn Hồng Lam hiện có 135 hộ dân, hơn 400 nhân khẩu. Trâu, bò hiện có khoảng 300 con, nhưng có những thời điểm trâu, bò trong thôn còn nhiều hơn người. Từ ngày có mô hình du lịch trải nghiệm tại đây, dân làng vui hơn hẳn. Nhiều nông sản cũng được giới thiệu tới du khách góp phần cải thiện thu nhập cho bà con. Đặc biệt do có đông người qua lại nên nạn hút cát trộm ở khu vực rừng phi lao giảm đáng kể.