Du lịch thuận thiên – Những mảnh ghép xanh cho bức tranh du lịch Trà Vinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây du lịch thuận thiên đã trở thành xu hướng phổ biến trong việc phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, và Trà Vinh là một ví dụ điển hình. Mô hình du lịch này không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng bền vững, qua đó giúp bảo tồn văn hóa và môi trường sinh thái đặc trưng của vùng.

Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Trà Vinh có điều kiện tự nhiên phong phú, nền văn hóa đa dạng của người Kinh, Khmer và Hoa. Với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, Trà Vinh đã và đang nỗ lực thúc đẩy mô hình du lịch thuận thiên như một chiến lược dài hạn, không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn bảo tồn di sản văn hóa và sinh thái quý báu.

Điểm nhấn hấp dẫn miền sông nước

Du lịch thuận thiên, hay còn gọi là du lịch “xanh”, không chỉ là hình thức du lịch có tính thân thiện với môi trường mà còn nhấn mạnh vào việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa, truyền thống. Tại Trà Vinh, hình thức này đang thu hút sự quan tâm lớn nhờ vào hệ sinh thái tự nhiên giàu có và đa dạng. Từ rừng ngập mặn đến hệ thống sông nước và vườn cây trái xanh tươi, Trà Vinh đem đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, vừa gần gũi với thiên nhiên vừa mang đậm nét văn hóa địa phương.

Những mô hình du lịch thuận thiên tại Trà Vinh rất được lòng du khách thập phương (ảnh Nguyễn Thuận).

Những mô hình du lịch thuận thiên tại Trà Vinh rất được lòng du khách thập phương (ảnh Nguyễn Thuận).

Một trong những “mảnh ghép” sáng trong mô hình du lịch này là các tour trải nghiệm sinh thái tại Cù Lao Tân Quy, nơi du khách có thể tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá, trồng cây, và tham quan vườn cây ăn trái. Hay các điểm du lịch sinh thái khác như: Cồn Chim và Cồn Ông cũng thu hút không ít khách du lịch yêu thiên nhiên. Các tour này không chỉ mang lại sự thư giãn mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách, làm nổi bật sứ mệnh của du lịch thuận thiên, phát triển hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên quý giá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn hết, những mô hình này giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống thường ngày của người dân miền sông nước mà còn góp phần tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa con người và thiên nhiên. Đây chính là điểm cốt lõi của du lịch thuận thiên – sống cùng thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Du khách trải nghiệm thu hoạch khoai lang tại mô hình Du lịch nông nghiệp ấp Cồn Ông (ảnh Nguyễn Thuận)

Du khách trải nghiệm thu hoạch khoai lang tại mô hình Du lịch nông nghiệp ấp Cồn Ông (ảnh Nguyễn Thuận)

Lần đầu đến với Cồn Chim, ông Nguyễn Văn Phục (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết rất thích với cách làm du lịch đầy sự nhiệt tình của người dân địa phương. Các hoạt động trải nghiệm tự tay xay bột, làm bánh lá mơ để thưởng thức tại nhà "Cô Ba Sữa," được uống nước dừa xiêm thơm ngọt tại “Vườn dừa Bé Thảo” với những chiếc ống hút cỏ… đã làm xiêu lòng ông và mọi người trong đoàn.

Không dừng lại đó, rừng ngập mặn ở khu vực biển Ba Động cũng là một điểm đến hấp dẫn với những hoạt động như ngắm chim, chèo thuyền giữa thiên nhiên hoang sơ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển khỏi xói lở mà còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, tạo nên sự đa dạng sinh học quý báu cho vùng đất này.

Bảo tồn phát triển du lịch văn hóa - sinh thái

Không chỉ tập trung vào bảo vệ thiên nhiên, du lịch thuận thiên ở Trà Vinh còn kết hợp với bảo tồn văn hóa, đặc biệt là văn hóa của người Khmer – một trong những dân tộc chính tại địa phương. Nhiều ngôi chùa Khmer cổ kính đã trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch nhờ vào kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời, như: Chùa Âng, chùa Hang và chùa Nodol… Qua việc tham quan và tìm hiểu văn hóa tại những ngôi chùa này, du khách không chỉ được mở mang kiến thức mà còn được hòa mình vào không gian tâm linh yên bình.

Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Ok Om Bok, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer tại Trà Vinh thu hút rất đông du khách (ảnh Nguyễn Thuận).

Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Ok Om Bok, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer tại Trà Vinh thu hút rất đông du khách (ảnh Nguyễn Thuận).

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống như Lễ hội Ok Om Bok, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer cũng là những sự kiện thu hút rất đông khách du lịch. Lễ hội này không chỉ mang tính chất văn hóa mà còn là dịp để cộng đồng địa phương quảng bá hình ảnh đất nước, con người Trà Vinh, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Ngoài ra, các di tích lịch sử và văn hóa của người Kinh và Hoa tại Trà Vinh cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc phát triển du lịch. Các làng nghề truyền thống như dệt chiếu, đan lát, và chế biến thực phẩm đặc sản là những nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn và phát huy. Du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa mà còn được tham gia vào quá trình sản xuất, tạo nên sự giao lưu văn hóa đậm chất bản địa.

Chùa Âng – một trong những công trình kiến trúc tâm linh nổi tiếng tại Trà Vinh (ảnh Nguyễn Thuận).

Chùa Âng – một trong những công trình kiến trúc tâm linh nổi tiếng tại Trà Vinh (ảnh Nguyễn Thuận).

Ông Dương Hoàng Sum – Giám đốc Sở VH,TT&DL Trà Vinh cho biết: Du lịch thuận thiên không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo tồn di sản văn hóa và sinh thái. Việc phát triển du lịch thuận thiên cần phải được thực hiện đồng bộ, có sự tham gia của cộng đồng địa phương, các tổ chức xã hội và chính quyền. Bằng cách kết nối con người với thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Trà Vinh đang trên con đường xây dựng một mô hình du lịch bền vững, góp phần làm giàu thêm cho bức tranh phát triển của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo ông Dương Hoàng Sum, trong tương lai, nếu được đầu tư đúng mức và triển khai các chính sách bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, Trà Vinh hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch sinh thái và mong muốn khám phá văn hóa bản địa. Đây không chỉ là một mô hình du lịch thân thiện với môi trường mà còn là một hướng đi bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng và thiên nhiên.

Hiện, Trà Vinh đã và đang nỗ lực kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế thông qua việc khai thác du lịch thuận thiên. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ dân, doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương xây dựng nên một mô hình du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo tính bền vững và bảo tồn được những giá trị văn hóa quý báu theo thời gian.

Đọc thêm