Du lịch tỉnh Thái nguyên chuyên nghiệp và hiện đại, gắn với bảo tồn di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê; hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể; gần 300 làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả... tỉnh Thái Nguyên đang từng bước phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản.
Du lịch tỉnh Thái nguyên chuyên nghiệp và hiện đại, gắn với bảo tồn di sản
Khu nghỉ dưỡng Tân Sơn homestay, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Khu nghỉ dưỡng Tân Sơn homestay, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Phát huy tiềm năng, mở rộng sản phẩm du lịch

Thái Nguyên có lợi thế ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc và sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhằm xây dựng ngành công nghiệp không khói của tỉnh xứng đáng với lợi thế trung tâm vùng, xứng đáng với vai trò “dẫn dắt” kinh tế vùng, những năm qua, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có nội dung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho biết: Thái Nguyên cần tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu. Đặc biệt là luôn tạo ra sản phẩm mới, hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm có sự tương đồng, trùng lặp giữa các khu, điểm du lịch trong tỉnh.

Theo đó, hàng năm, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao tại khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc; xây dựng cơ sở lưu trú là các khách sạn, nhà nghỉ, homestay, có chính sách thu hút, ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai các dự án du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để quảng bá, giới thiệu du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong nước, quốc tế, như: Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc; Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với những lợi thế về du lịch cộng đồng, tỉnh cũng tập trung phát triển loại hình du lịch này, trong đó lấy lợi ích của người dân địa phương là trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng dân cư tham gia, làm chủ và được hưởng lợi.

Đây là một trong những phương châm quan trọng hướng tới phát triển du lịch xanh theo nguyên tắc phát triển bền vững. Coi trọng gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường, từ đó gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên.

Đồi chè Tân Cương, điểm đến du lịch trải nghiệm hấp dẫn

Đồi chè Tân Cương, điểm đến du lịch trải nghiệm hấp dẫn

Bảo tồn di sản văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch

Đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, trong 5 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã bố trí kinh phí hàng tỷ đồng khôi phục, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Cùng với đó, các doanh nghiệp và địa phương có di sản đã chủ động phối hợp, liên kết, xây dựng tour, tuyến du lịch phù hợp, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, khám phá, trải nghiệm của nhân dân, du khách.

Ngoài hơn 1.000 di tích lịch sử như: Di tích đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc); mái lán Tỉn Keo, thác Khuôn Tát (xã Phú Đình); Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ); Di tích đền Đuổm (Phú Lương)...Thái Nguyên còn sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể mang đậm nét bản sắc dân tộc, điển hình như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của người Sán Chay và Lễ cấp sắc của người Dao.

Khi các di tích lịch sử trở thành điểm đến, thì các di sản văn hóa phi vật thể trở thành “món đặc sản” tinh thần giao lưu giữa đồng bào các dân tộc với du khách trong nước, quốc tế. Tất cả các di sản đều là nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho ngành Du lịch phát triển.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, phát huy và bảo vệ tốt các di sản văn hóa, Thái Nguyên đã tập trung mời gọi nhà đầu tư đến hợp tác phát triển du lịch, vừa phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch.

Đối với các doanh nghiệp làm du lịch, tỉnh cũng kêu gọi đồng hành, không phát triển đơn lẻ, mà cần có sự liên kết, chia sẻ khách hàng, giúp du khách tiếp cận được nhanh nhất những sản phẩm họ cần. Chú trọng việc gắn văn hóa truyền thống với hiện đại, lấy chất lượng dịch vụ là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mang lại cho du khách nhiều lợi ích khi tham gia du lịch tại các khu, điểm đến của vùng “đất thép, xứ trà”.

Để làm được điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành cần năng động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới hơn trong cách làm du lịch. Từ đó sẽ thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và hứng thú chi tiêu khi sử dụng các dịch vụ du lịch.

Bên cạnh sự đầu tư, chung tay của địa phương cùng các doanh nghiệp lữ hành, trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thì công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch đến du khách trong nước, quốc tế thông qua các ấn phẩm, tờ rơi và các nền tảng mạng xã hội cũng là yếu tố quan trọng giúp Thái Nguyên phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đọc thêm