Du lịch Việt 'chuyển mình' hướng tới đầu tư xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Điều ngành Du lịch Việt Nam và toàn thế giới buộc phải quan tâm hiện nay là khai thác du lịch nhưng bảo đảm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di sản. Bởi vậy, du lịch không còn chỉ dựa trên tài nguyên sẵn có của mỗi quốc gia mà phải phát triển “xanh” với môi trường.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thông điệp Ngày Du lịch Thế giới 27/9

Theo thông tin chính thức từ Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), Vương quốc Saudi Arabia sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới 27/9/2023 với chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh”. Với vai trò quan trọng và tác động to lớn của ngành du lịch trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia UNWTO khuyến khích áp dụng phát triển du lịch bền vững và thực hành quản lý cho tất cả các hình thức du lịch ở các loại điểm đến, bao gồm cả du lịch đại chúng và các phân khúc du lịch thích hợp khác nhau. Các nguyên tắc bền vững đề cập đến các khía cạnh môi trường, kinh tế, văn hóa xã hội của phát triển du lịch và phải thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa ba khía cạnh này.

Cụ thể, trong du lịch bền vững, việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường là yếu tố chính trong phát triển du lịch, duy trì các quá trình sinh thái thiết yếu, giúp bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần tôn trọng tính xác thực về văn hóa, xã hội của các cộng đồng sở tại; duy trì, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống; đồng thời đóng góp vào sự hiểu biết và khoan dung giữa các nền văn hóa. Mặt khác, các hoạt động kinh tế cần bảo đảm tính lâu dài, khả thi, công bằng, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho tất cả các bên liên quan.

Như vậy, phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia có hiểu biết của tất cả các bên liên quan, sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng để bảo đảm sự tham gia rộng rãi và tính đồng thuận cao trong cộng đồng. Du lịch bền vững cũng cần bảo đảm trải nghiệm có ý nghĩa và duy trì mức độ hài lòng cao của du khách, đồng thời nâng cao nhận thức của họ và thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững từ mỗi cá nhân. Đây được xem là một quá trình liên tục, đòi hòi sự theo dõi, giám sát các tác động và kịp thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa, khắc phục khi cần thiết.

Du lịch xanh hướng tới tăng trưởng xanh

Những năm gần đây, du lịch xanh cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương. Một trong những ví dụ điển hình là du lịch Ninh Bình. Đầu năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã lựa chọn Ninh Bình và Quảng Nam là hai địa phương thí điểm áp dụng Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Về lý do lựa chọn Ninh Bình, UNDP và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đều đánh giá, đây là địa phương từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo, đến từng địa phương, từng người dân đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch xanh, bền vững để làm bệ đỡ cho các ngành, các lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Trên thực tế, du lịch xanh đã xuất hiện ở Ninh Bình từ sớm. Cụ thể, từ năm 2001 đến nay, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành 04 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch: Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch đến 2010; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; gần đây nhất là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2045. Trong đó, Nghị quyết số 03-NQ/TU năm 2001 được coi là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch.

Một ví dụ khác cũng đang được đông đảo du khách đánh giá cao về các mô hình du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp sinh thái là tỉnh Sơn La - một trong những địa phương điển hình về phát triển du lịch bền vững tại vùng cao Tây Bắc. Với sự định hướng, tạo cơ chế khuyến khích từ chính quyền địa phương, sự hỗ trợ vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La ngoài việc đầu tư vào vườn cây ăn trái thì còn tận dụng địa hình, khí hậu trong lành để xây dựng các mô hình du lịch sinh thái. Theo thông tin được công bố, ước tính toàn tỉnh có khoảng 30 điểm khai thác du lịch lớn và hàng trăm mô hình du lịch homestay đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch vườn sinh thái… đặc biệt là du lịch vùng lòng hồ thủy điện. Những mô hình này đều hướng tới khai thác tối ưu phong cảnh sẵn có, văn hóa đồng bào dân tộc và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường.

Đọc thêm