Du lịch xanh trên đảo Phú Quý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong thời gian gần đây, Đảo Phú Quý đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Du lịch xanh trên đảo Phú Quý

Phát triển tiềm năng du lịch biển

Phú Quý là một hải đảo nằm ở cực đông tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120km) theo hướng Đông - Đông Nam. Hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa, cảnh quan thiên nhiên hài hòa với núi đồi, đá tảng xếp chồng chất chênh vênh, xen kẽ giữa các bãi biển uốn lượn hùng vĩ. Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt diệu, Phú Quý là một huyện đảo có tiềm năng du lịch và kinh tế biển to lớn của tỉnh Bình Thuận.

Từ trước năm 2014, tình hình kinh tế xã hội của Phú Quý còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là thời gian sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất chỉ có 16 giờ/ngày, là một trong những điểm "nghẽn" trong phát triển. Từ ngày 1/7/2014, điện ở Phú Quý được cấp đủ 24 giờ, giá điện, giá nước sạch bằng với giá điện ở đất liền, tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Vừa qua, tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được đưa vào khai thác có chiều dài 160,3 km, toàn tuyến dự án này đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân kết nối về TP.HCM, nhờ đó giao thông kết nối giữa đảo Phú Quý với đất liền ngày càng thuận lợi.

Tuyến tàu cao tốc từ Phan Thiết đi Phú Quý được rút ngắn chỉ còn 2h-2,5h.

Tuyến tàu cao tốc từ Phan Thiết đi Phú Quý được rút ngắn chỉ còn 2h-2,5h.

Hiện nay, tuyến tàu cao tốc Phan Thiết - Phú Quý đã có thêm 2 tàu cao tốc chuyên chở khách, nâng tổng số lên 6 tàu gồm: Superdong - Phú Quý I, Superdong - Phú Quý II, Phú Quý Express, Phú Quý Island, Tuần Châu Express II (Chấn Kha Phú Quý), Trưng Trắc chỉ với thời gian từ 2h - 2h30’.

Với thế mạnh về biển, thiên nhiên trong lành, con người hiền hòa, hiếu khách, huyện đảo Phú Quý đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, hứa hẹn sẽ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Thuận.

Những năm gần đây lượng du khách đến đảo tăng đột biến theo từng năm, từ 16.600 lượt du khách năm 2017 lên đến hơn 42 nghìn lượt vào năm 2019. Ðến năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, du khách đến Phú Quý tăng đột biến với hơn 95 nghìn lượt. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng số khách trong nước và nước ngoài đến đảo Phú Quý tham quan du lịch là 64.879 lượt khách, trong đó có 1.042 lượt khách quốc tế, ước đến hết tháng 6/2023 có 89.797 lượt khách (so với cùng kỳ tăng 45.797 lượt) vượt xa so với mục tiêu.

Trong buổi thăm và làm việc tại đảo Phú Quý, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu: “Phú Quý xem phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng phải có sản phẩm mang đến sự khác biệt cho du khách, để du khách cả nước khi đến đây đều nhớ đến đảo Phú Quý. Đồng thời, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo, nâng cao đời sống nhân dân”.

Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên và tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên và tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Người dân “đổi đời” nhờ các dịch vụ du lịch

Hiện nay có khoảng hơn 30 nghìn người đang sinh sống trên đảo, trong đó có gần 17 nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp. Những năm gần đây, thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển mạnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương tham gia các hoạt động trong lĩnh vực du lịch ngày càng nhiều. Ðặc biệt nhiều bạn trẻ xuất thân từ những ngư dân lao động biển đã chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch.

Anh Nguyễn Tín, 28 tuổi, người dân xã Ngũ Phụng làm nghề hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ. “Trước đây khi còn đi học, tôi chỉ mong muốn được ở lại TP.Hồ Chí Minh hay TP.Phan Thiết lập nghiệp. Thế nhưng thời gian gần đây, đảo Phú Quý đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm nên tôi đã quyết định về đây kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú làm giàu trên chính quê hương của mình”.

"Du khách đến với Phú Quý rất thích check in, chụp ảnh kỷ niệm tại những địa điểm chỉ riêng nơi đây mới có như: Cột cờ chủ quyền Phú Quý, Phong điện Phú Quý, Bờ kè bãi Lăng, Dốc phượt, Hòn Tranh, Bãi Nhỏ-Gành Hang … Ngoài ra, còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng như: Mộ Thầy, Ðền thờ Công chúa Bàn Tranh, Vạn An Thạnh…" Anh Tín chia sẻ thêm.

Du khách đến với Phú Quý rất thích check in dưới chân Cột cờ chủ quyền đảo Phú Quý.

Du khách đến với Phú Quý rất thích check in dưới chân Cột cờ chủ quyền đảo Phú Quý.

Bà Nguyễn Hạnh Dung, chủ một nhà nghỉ cho hay: Du khách đến Phú Quý thường là vào những ngày cuối tuần, hiện trên đảo có hơn 30 cơ sở dịch vụ lưu trú gồm: Khách sạn, resort, nhà nghỉ và homestay… với tổng số gần 1000 phòng các loại, trong ngày bình thường vẫn đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch, tuy nhiên, vẫn bị quá tải vào những dịp nghỉ lễ.

Chị Nguyễn Thị Ngát, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đi du lịch Phú Quý bây giờ rất dễ dàng, thuận lợi, việc đặt vé tàu, đặt chỗ nghỉ, phương tiện đi lại trên đảo đều qua mạng. Thời gian đi tàu từ đất liền ra đảo được rút ngắn rất nhiều so với trước đây, dịch vụ du lịch trên đảo ngày càng chuyên nghiệp hơn. Cảnh quan ở Phú Quý còn hoang sơ, tự nhiên tuyệt đẹp cho nên ngày càng có nhiều du khách đến với Phú Quý.

Theo ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Thời gian gần đây lượng du khách đến đảo tăng đột biến vượt xa so với mục tiêu. Đây cũng là động lực để địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Khu du lịch huyện Phú Quý gắn với tổ chức các hoạt động hưởng ứng năm du lịch Quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai, phối hợp hoàn chỉnh Đề án Khu bảo tồn biển Phú Quý, Đề án Phát triển kinh tế đêm của huyện gắn với xây dựng hình ảnh du lịch Phú Quý “An toàn Thân thiện - Chất lượng - Nghĩa tình”.

Ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

“Bên cạnh đó, việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng, các hạng mục phụ trợ phục vụ và thu hút đầu tư, phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cũng được địa phương quan tâm. Chúng tôi cũng chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của huyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết với các công ty du lịch tại đất liền quảng bá và thực hiện tour du lịch tại Phú Quý.”. Ông Lực nhấn mạnh.

Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Bình Thuận khẳng định sự kiên định với lựa chọn phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững. Chủ đề truyền tải ý nghĩa rất lớn, đó là sự hội tụ của nhiều nền văn hóa đặc trưng, hội tụ của đất trời và lòng người trên vùng đất Bình Thuận. Theo đó, mục tiêu Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển, từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững.

Đọc thêm