Không chỉ có làm đẹp, nhiều dịch vụ y tế khác cũng đang được chào mời ngày càng nhiều tại các nước, trong đó có cả giải phẫu ghép thận và điều trị ung thư, đặc biệt là tại Ấn Độ. Thị trường này đã lên tới 60 triệu đôla trong năm 2016, với 14 triệu bệnh nhân, và sẽ còn tăng thêm 25% trong thập niên tới, cùng với đà lão hóa của dân số, cộng thêm với việc các phương tiện vận chuyển ngày càng dễ tiếp cận và các dịch vụ ngày càng phong phú.
Những nguyên nhân chính khiến người ta ra nước ngoài vì lý do y tế thì không có gì thay đổi: không phải chờ lâu và nhất là giá rẻ. Kể từ đầu thập niên 1990, điểm đến chủ yếu vẫn là châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan, những nơi mà đón tiếp bệnh nhân ngoại quốc là cả một ngành kinh doanh, chiếm đến gần 1% GDP như ở Thái Lan.
Từ lâu, Thái Lan vẫn thu hút nhiều bệnh nhân vì giá cả ở đây rất hấp dẫn (rẻ hơn 70% so với ở Mỹ), mà chất lượng điều trị được đánh giá tương đối tốt. Ví dụ như gắn một xương hông giả ở Mỹ tốn đến 42 ngàn euro, trong khi ở Thái Lan tốn chưa tới 10 ngàn. Về phần Ấn Độ, từ năm 2005, nước này đã lập ra một loại visa riêng cho khách du lịch y tế, cấp cho hơn 230 ngàn người đến nước này trong năm 2015 để được giải phẫu xương khớp hoặc điều trị ung thư.
Tại những nước đó, có những công ty chuyên tổ chức các chuyến lưu trú, lo cho bệnh nhân ngoại quốc, từ A đến Z, từ lúc đón tiếp ở phi trường, cho đến theo dõi hậu phẫu.
Tuy nhiên, thật ra không phải bệnh nhân nào cũng đến từ nước giàu tìm nơi điều trị rẻ tiền hơn, mà có nhiều người ra nước ngoài chỉ vì ở nước họ không có những dịch vụ y tế đó: 80% người ngoại quốc tới Ấn Độ để điều trị là đến từ các nước phía nam, trong đó có nhiều người từ châu Phi hay từ Irak và Afghanistan, hai nước mà các dịch vụ y tế đã bị chiến tranh tàn phá.