Dự luật về binh sỹ gây tranh cãi ở Nhật Bản

(PLO) - Quốc hội Nhật đã thông qua dự luật cho phép đưa quân đội ra ngoài lãnh thổ, đánh dấu thay đổi lịch sử trong chính sách an ninh của nước này.
Người dân Nhật Bản biểu tình phản đối dự luật về quyền phòng thủ tập thể ở Tokyo.
Người dân Nhật Bản biểu tình phản đối dự luật về quyền phòng thủ tập thể ở Tokyo.
Thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng
Dự luật được thông qua tại phiên họp toàn thể của Thượng viện Nhật, sau khi phe đối lập chấm dứt các nỗ lực chống văn bản này. Luật sẽ tạo điều kiện cho lính Nhật chiến đấu ở nước ngoài, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II. 
Chủ tịch Thượng viện Masaaki Yamazaki cho biết dự luật được thông qua với 148 phiếu thuận, 90 bỏ phiếu chống, sau nhiều giờ thảo luận căng thẳng. Bên ngoài tòa nhà quốc hội, đám đông khoảng 11.000 người hô to: "Hãy bảo vệ hiến pháp!". 
Luật "cần thiết nhằm bảo vệ mạng sống của người dân và cách sống hòa bình, vì mục đích ngăn chặn chiến tranh", ông Abe nói sau khi dự luật được Thượng viện thông qua. "Tôi muốn tiếp tục giải thích một cách kiên trì và nhã nhặn về các luật". 
Đây là một dấu mốc trong nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm nới lỏng giới hạn của bản hiến pháp hòa bình đối với quân đội. Nó cũng là thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng của Nhật kể từ khi lực lượng quân sự hậu chiến nước này được thành lập năm 1954.
Ông Abe cho biết sự chuyển hướng chính sách có ý nghĩa thiết yếu nhằm ứng phó với những thách thức mới, như từ Trung Quốc. 
Một điểm then chốt của luật là bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng thủ chung, hay bảo vệ Mỹ hoặc một nước thân thiện khác khi họ bị tấn công, trong trường hợp Nhật đối mặt với "mối đe dọa đến sự tồn tại của mình". Ông Abe cũng đã nói nó sẽ cho phép liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ trong trường hợp chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, hay tuyến đường biển bị chặn, đe dọa an ninh của Nhật. 
Bản dự thảo trên gây tranh cãi ngay từ khi mới đề xuất bởi những mối quan ngại về việc điều khoản của nó đi ngược chính sách hòa bình Tokyo theo đuổi suốt 70 năm qua
Điều 9 trong hiến pháp hòa bình nêu rõ Nhật Bản cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh hay sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế. Để thực hiện mục tiêu này, lục quân, hải quân, không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước cũng không được công nhận.
Dự thảo an ninh mới gây chú ý ở việc cho phép quân đội Nhật hỗ trợ đồng minh phòng thủ, dựa trên khái niệm phòng vệ tập thể mà chính quyền trước đây coi là vi hiến.
Nhật Bản nay có thể đánh chặn các tên lửa bay qua nước này nếu chúng nhắm tới lãnh thổ của đồng minh Mỹ. Theo luật cũ, Tokyo chỉ được phép bắn hạ tên lửa khi nó ngắm mục tiêu vào Nhật Bản. Hoặc khi tàu chiến Washington bị tấn công, Tokyo hoàn toàn có thể điều quân trợ giúp. Trong tương lai, các lực lượng Nhật Bản còn có khả năng đặt chân đến những khu vực chiến sự ở Trung Đông.
Tàu chiến Nhật ở vịnh Sagami
Tàu chiến Nhật ở vịnh Sagami 
Tuy nhiên, các hoạt động trên chỉ được thực hiện khi chúng đáp ứng một số điều kiện cụ thể, ví như trước các tình huống "đe dọa nghiêm trọng" tới Nhật Bản. Việc gián đoạn nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông cũng bị coi là một mối nguy hiểm như thế.
Luật mới cũng cho phép Nhật Bản tham gia sâu hơn vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bao gồm viện trợ quân đội nước khác hay bảo vệ dân thường. Trước đây, vai trò của Tokyo bị giới hạn ở các hoạt động phi quân sự như xây dựng cơ sở hạ tầng hay tuần tra.
Tranh cãi quyết liệt
Những người ủng hộ luật mới cho rằng tình hình an ninh khu vực đang trở nên ngày càng phức tạp, điển hình như việc Triều Tiên thử tên lửa hay Trung Quốc tăng cường quân sự hóa nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp. Vì thế, Tokyo cần duy trì một chính sách an ninh chủ động hơn nhằm bảo vệ nền hòa bình cũng như sự thịnh vượng của quốc gia bằng cách ngăn chặn sớm những mối hiểm họa từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Mục tiêu chính của luật mới nhằm tạo điều kiện để quân đội Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn với đồng minh thân cận nhất là Mỹ, từ đó củng cố năng lực quân sự của mỗi nước.
Washington hoan nghênh bước thay đổi này của Tokyo bởi Mỹ đang rất mong muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với không chỉ Nhật Bản mà còn cả các quốc gia khác như Australia hay Philippines nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ từ sau Thế chiến II giúp đỡ Nhật Bản rất nhiều trong công tác bảo vệ an ninh. Đổi lại, Nhật Bản cho phép binh sĩ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ nước này. Dù Washington khẳng định tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Tokyo song giới lãnh đạo Nhật Bản lo ngại liệu rằng trong tương lai cam kết này có đứng vững khi Mỹ phải đối mặt với những khó khăn về ngân sách.
Mở rộng vai trò của quân đội luôn là đề tài gây tranh cãi ở Nhật Bản. Năm 1992, quyết định tham gia hoạt động gìn gữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của nước này cũng vấp phải sự phản đối từ một bộ phận công chúng. Năm 2004, Nhật Bản gửi quân tới Iraq để triển khai các dự án xây dựng. Động thái trên cũng tạo ra một làn sóng tranh luận ở trong nước.
Nhiều người dân Nhật luôn cảnh giác trước những thay đổi tác động tới chính sách hòa bình. Họ lo lắng việc mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ sẽ biến Nhật Bản trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan, đồng thời Tokyo sẽ bị kéo vào những xung đột không đáng có.
Vụ việc hai con tin Nhật bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sát hại hồi đầu năm càng khiến những mối bất đồng trở nên gay gắt. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối dự luật an ninh mới này./.

Đọc thêm