Dự thảo BLDS sửa đổi: Tiếp cận dần với nền kinh tế thị trường

(PLO) - Mới đây, trong khuôn khổ Dự án Jica (Nhật Bản), Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về Bộ luật Dân sự với sự tham gia bình luận của các chuyên gia Nhật Bản do Giáo sư Morishima – Giáo sư danh dự Đại học Nagoya, Nhật Bản dẫn đầu. Tọa đàm cũng thu hút đông đảo các vị Đại biểu Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật dân sự.
Tiến gần đến Bộ luật Dân sự của các nước
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi lần này khi thông qua được kỳ vọng có sức sống lâu dài, góp phần cụ thể hóa tinh thần pháp quyền, nhân quyền của Hiến pháp năm 2013. 
Dự thảo Bộ luật đến thời điểm này đã được Quốc hội cho ý kiến và vẫn còn một số vấn đề lớn cần xin ý kiến để Quốc hội thảo luận, quyết định. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các chuyên gia Nhật Bản tiếp tục gắn bó với việc hoàn thiện Dự thảo Bộ luật và kết quả tọa đàm cùng quan điểm góp ý hàng trăm trang rất công phu của phía Nhật Bản sẽ được tổng hợp, gửi lên Quốc hội xem xét.
Đánh giá chung về BLDS của Việt Nam, Giáo sư Morishima thẳng thắn cho rằng, BLDS năm 1995 do tình thế kinh tế chính trị của Việt Nam thời đó nên không có được đầy đủ tư cách như là luật căn bản quy luật của nền kinh tế thị trường. BLDS năm 2005 thì vẫn sót ảnh hưởng của thể chế nhà nước với nền kinh tế kế hoạch, tập trung. 
Đối với Dự thảo sửa đổi, dù còn một số điểm cần nghiên cứu nhưng Giáo sư Morishima nhận thấy đã thể hiện một bước tiến bộ dài, đưa vào khá nhiều nguyên lý của kinh tế thị trường, tiến gần đến BLDS của các nước khác. 
Đặc biệt, Ủy ban nghiên cứu chung về BLDS của Dự án Jica hết sức vui mừng khi có thể đóng góp một phần nhỏ trong việc thúc đẩy mọi người, những nhà soạn thảo luật hiểu về ý nghĩa sửa đổi BLDS. “Cần phải tránh việc đưa ra đánh giá Dự thảo BLDS sửa đổi của Việt Nam một cách đơn thuần dựa trên chuẩn mực của BLDS các nước khác mà không cân nhắc đến bộ máy nhà nước và tình trạng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” - Ủy ban này nêu rõ quan điểm.
Cần nắm vững nguyên tắc “vật quyền xác định”
Giới thiệu chung về Dự thảo Bộ luật, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, hiện có 4 vấn đề còn những ý kiến khác nhau, bao gồm vấn đề về vật quyền, cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm, điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản. 
Chẳng hạn, về vật quyền, luồng ý kiến ủng hộ cho rằng cần thiết sử dụng khái niệm vật quyền, xây dựng chế định vật quyền trong Dự thảo Bộ luật. Bởi chế định vật quyền là để góp phần thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. 
Ngoài ra, chế định vật quyền không phải là vấn đề mới, thực chất là sự kế thừa, phát triển và hoàn thiện các thành quả của BLDS năm 2005. Đây cũng là một khái niệm, phạm trù cơ bản của khoa học pháp lý dân sự nhằm bảo đảm tính hội nhập của Việt Nam về thể chế pháp lý liên quan đến phát triển nền kinh tế thị trường với thế giới. Luồng ý kiến không tán thành thì cho rằng không nên sử dụng khái niệm mới khi chủ thuyết, nội dung chưa rõ ràng và bố cục chưa bảo đảm tính logic.
Bình luận các vấn đề còn những ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề về vật quyền, Giáo sư Morishima khẳng định, BLDS năm 2005 của Việt Nam có nhiều nội dung thể hiện vật quyền, còn với Dự thảo BLDS sửa đổi thì chế định này trở nên rõ ràng hơn. Theo Giáo sư, khái niệm vật quyền được hình thành từ thế kỷ XIX, do người Đức xây dựng. Vì thế, trước ý kiến không đồng tình sử dụng khái niệm vật quyền bởi lý do chủ thuyết, nội dung chưa rõ ràng, Giáo sư bày tỏ, nhận định như vậy là không chính xác và hoàn toàn không có căn cứ. 
Tuy nhiên, Giáo sư Morishima đề nghị Việt Nam nắm vững nguyên tắc “vật quyền xác định”, tức là vật quyền phải được quy định trong luật và có cơ chế công bố để bên thứ 3 biết được. Đơn cử, quyền với đất đai phải được đăng ký, được công bố để bên thứ 3 biết được ai là người có quyền đối với đất đai đó.
Trước khi diễn ra buổi tọa đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có buổi tiếp xã giao các chuyên gia Nhật Bản do Giáo sư Morishima – Giáo sư danh dự Đại học Nagoya, Nhật Bản dẫn đầu. Cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân Giáo sư, JICA và Chính phủ Nhật Bản đối với quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự của Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn khi Bộ luật này được thông qua và thực thi trên thực tế sẽ phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đọc thêm