Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề xuất thu bảo hiểm bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể

(PLVN) - Mặc dù chủ hộ kinh doanh cá thể không phải là đối tượng “được đóng bảo hiểm” nhưng cơ quan bảo hiểm vẫn “vui vẻ” thu của họ. Thực tế này đã diễn ra nhiều năm và tới đây sẽ được thể chế hóa trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình về bảo hiểm xã hội hồi tháng 6/2023. (Ảnh: Nghĩa Đức).

Có một vấn đề “nóng” hiện nay là người lao động là chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bởi theo quy định của Luật BHXH hiện hành, đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc phải có hợp đồng lao động (HĐLĐ) được ký kết. Chủ hộ kinh doanh cá thể có thể ký kết HĐLĐ với người làm thuê cho mình và đóng bảo hiểm cho họ. Tuy nhiên, bản thân chủ hộ kinh doanh cá thể lại không thể ký HĐLĐ với “chính mình”.

Từ đó, phát sinh thực tế chủ kinh doanh cá thể cũng là người lao động tham gia trong hộ kinh doanh cá thể đó, nhưng lại không phải là đối tượng “được đóng bảo hiểm”. Tuy nhiên, những năm qua, người lao động là các chủ hộ kinh doanh cá thể đóng BHXH rất nhiều và cơ quan bảo hiểm vẫn “vui vẻ” thu của họ. Giờ đây, khi kiểm tra lại để hưởng chế độ thì họ lại đóng không đúng đối tượng và không được hưởng.

Vấn đề này từng được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung giải trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hồi tháng 6/2023 và có đưa ra nhiều phương án. Cụ thể, thời gian qua, cơ quan BHXH có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ LĐ-TB&XH đã chấn chỉnh BHXH, về cơ bản, vấn đề này đã được xử lý.

Về hướng giải quyết, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm.

Đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là phải đưa quyền lợi của người lao động lên hàng đầu. Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy chưa hoàn toàn thỏa đáng. Phương án thứ nhất áp dụng theo quy định, tức là Luật quy định chủ kinh doanh cá thể không phải là đối tượng đóng nhưng bảo hiểm đã thu thì nay trả lại. Phương án thứ hai, trả lại tiền cho chủ hộ kinh doanh cá thể nhưng tính toán đến khoản lãi suất mà họ đã đóng trong khoảng thời gian vừa qua và chuyển họ sang những dạng bảo hiểm khác, như bảo hiểm tự nguyện.

Theo bà Nga, các phương án này có rất nhiều vướng mắc và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Vấn đề ở đây là người lao động đóng bảo hiểm để được hưởng chế độ, chứ không phải hình thức gửi tiền ngân hàng với mong muốn có một số lãi suất, vì lãi suất này tính ra cũng không “đáng bao nhiêu”. Quan trọng hơn, có những đối tượng người lao động “đóng nhầm” BHXH không dài, họ vẫn còn tuổi nên có thể chuyển sang các hình thức đóng bảo hiểm khác. Còn với những người đóng hàng chục năm và tuổi đã cao, bây giờ được hưởng chế độ thì họ không đủ điều kiện để chuyển sang bảo hiểm dạng khác. Như vậy, quyền lợi của những đối tượng này không được bảo đảm. Trong khi, BHXH có nguyên tắc “đóng - hưởng”. Với trường hợp này, người lao động đã đóng nhưng chưa được biết đến khi nào mới được hưởng.

Qua đây cho thấy điểm bất cập về pháp luật là yêu cầu “cứng” phải có HĐLĐ. Bất hợp lý nữa là chủ kinh doanh ký được HĐLĐ với người khác, nhưng lại không thể ký được với “chính mình”. Với những vướng mắc trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất Chính phủ có thể “linh hoạt” coi những đối tượng này là có HĐLĐ tự ký và giải quyết cho họ như giải quyết với những người lao động khác đóng BHXH bắt buộc là có HĐLĐ. “Cách giải quyết này theo tôi là thỏa đáng nhất, vừa bảo đảm được quyền lợi của người lao động, nhưng cũng không sai với quy định của pháp luật”, bà Nga chia sẻ.

Về lâu dài, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã tính đến giải pháp xử lý thực tế trên. Theo đó, dự thảo Luật quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đây là vấn đề chắc chắn phải thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII với lộ trình hợp lý. Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung 5 loại đối tượng, trong đó đối tượng chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khoảng 2 triệu hộ) được nhiều ý kiến tán thành bổ sung vào diện bắt buộc tham gia BHXH là hợp lý, có tính khả thi.

Đọc thêm